NẮM BẮT THÔNG TIN (Grasp Information)

- Who are you?

- Yu

- No, not me, you!

- Yes, I’m Yu

- Are you deaf?

- No, Yu is blind

- I’m not blind, you blind

- That is what I just said!

Trong giao tiếp, vấn đề nảy sinh thường đến từ thông tin. Những thông tin càng khái quát thì càng nhiều biến số xảy ra. Một cuộc họp kéo dài hàng tiếng đồng hồ với nhiều kỳ vọng lớn lao nhưng tất cả không thống nhất được đầu ra thì giả như có 7 người tham gia sẽ có 7 cái đầu kỳ vọng 7 kết quả khác nhau. Và sau đó, quá trình thực thi sẽ là một mớ hỗn loạn. Vậy, thông tin “không rõ ràng”? Không, chính xác là “tôi và bạn có hiểu cùng một ý không?”

Trong một đoạn hội thoại trực tiếp như trên, từ phía người nghe, thính giác giúp họ tiếp nhận âm thanh nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Thị giác tiếp nhận ngôn ngữ cơ thể, những yếu tố tiềm ẩn khác như sự trông đợi, khuynh hướng ngả theo 1 hướng… khiến thông điệp nhận được không đơn thuần là những gì nghe và thấy mà đến từ việc hiểu và diễn giải những thứ đang diễn ra. Cuộc hội thoại có thể là một trò đùa hay đơn giản là sự nhầm lẫn, tùy thuộc vào cách ta muốn hiểu vì mỗi người tiếp thu điều đi vào trong não và xử lý chúng trong bối cảnh cá nhân. Đây là một quá trình chủ động và phức tạp chứ không thụ động, đơn giản. 

Để một người lĩnh hội đủ thông tin thì họ cần có khả năng nắm bắt thông tin (tiếp nhận, suy nghĩ & hành động) tốt. Trong cuộc sống, đây là công cụ để con người học hỏi điều mới và phát triển. Ở khía cạnh công việc, đây là yếu tố quyết định kết quả đầu ra. Với mình, khả năng này còn xếp trên cả kỹ năng chuyên môn. Một nhân sự có kỹ năng chuyên môn tốt nhưng nắm bắt thông tin hạn chế thì không tránh được sản phẩm méo mó so với mong đợi ban đầu của cấp trên. Ngược lại, một người chủ/ cấp trên muốn công việc đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian thì cũng cần nỗ lực để phát triển kỹ năng truyền đạt để thông tin được truyền tải tốt nhất. 

“Nắm bắt” thông tin là câu chuyện của việc não bộ làm việc như thế nào. Đặt góc nhìn vào môi trường làm việc, nơi những cuộc trao đổi nhanh, họp liên tục diễn ra hàng ngày, chúng ta sẽ quan sát được rất nhiều điều thú vị.

🧠 [Tiếp nhận thông tin] Từ khi mới chào đời, là 1 đứa trẻ sơ sinh, chúng ta gần như luôn bị ngợp bởi hàng đống thứ tín hiệu cùng lúc truyền về từ giác quan mỗi giây và chưa thể tự chọn chú ý vào thứ gì. Điều gì hấp dẫn hơn hay mới hơn thì ngay lập tức bị hút vào đó và vài giây sau sẽ lại bị xao nhãng bởi 1 thứ khác. Nhưng trong suốt quá trình lớn lên, chúng ta đã phát triển để có thể chú ý có chọn lọc, thậm chí là chú ý cùng lúc nhiều thứ (có sự ưu tiên và chuyển tiếp qua lại). Quay trở lại bối cảnh môi trường làm việc, quá trình tiếp nhận thông tin sẽ đạt hiểu quả cao nếu bạn chủ động chọn sẽ chú ý vào điều gì. Việc này giúp bạn sẵn sàng hơn cho những thứ sắp đón nhận, tăng khả năng tiếp nhận thông tin. Ví dụ nếu cuộc họp sắp tới bàn về kế hoạch kinh doanh của năm sau, bạn có thể chuẩn bị trước 1 số câu hỏi và gạch đầu dòng những nội dung quan trọng liên quan đến nhiệm vụ của bạn để có thể chú ý hơn trong khi họp.

Tuy vậy, không phải cứ chú tâm là bạn tiếp nhận được. Giả dụ đôi lúc người nói sử dụng những từ vựng bạn không biết hoặc cách họ diễn giải khó hiểu thì đơn giản nhất là đặt câu hỏi. Mắc ở đâu, hỏi ở đó. Quá trình hỏi đáp sẽ vô giá trị nếu cách người hỏi áp đặt suy nghĩ cá nhân hướng tới một câu trả lời (thiên kiến thông tin), không gợi mở được những khía cạnh khác hoặc không giúp đào sâu vào vấn đề. Ví dụ một quản lý đưa “đề bài” tăng doanh thu cửa hàng quần áo cho nhân viên kèm gợi ý 1 số CTKM và yêu cầu cần khảo sát kỹ trước khi chọn để lên kế hoạch. Tuy nhiên người nhân viên chỉ chú ý và hỏi thêm về những thông tin có lợi để làm chương trình mà họ thích triển khai. Bởi họ đang tìm kiếm có chọn lọc những thông tin ủng hộ niềm tin, ý tưởng có sẵn trong đầu họ. 

Nhiều khi nhân sự không dám hỏi dù chưa hiểu rõ thì nguyên nhân thường là sợ bị đánh giá kém (do không tự tin vào bản thân), hay do nhìn nét mặt người trao đổi không “willing” nếu họ đặt câu hỏi. Nếu gần đây một nhân viên nọ mới mắc sai phạm và bị trách móc thì tâm lý sợ hiểu ý sai sẽ khiến người đấy mất thời gian hơn để nắm bắt vì không tin vào khả năng của mình. Cánh cổng tiếp nhận thông tin khi đó như đóng cửa, tắt điện, nhường chỗ cho cảm xúc sợ hãi xâm lấn toàn bộ. Vì thế, quá trình diễn giải và xử lý thông tin sau đó bị ảnh hưởng, phụ thuộc nhiều vào việc suy đoán chủ quan. Cảm xúc tiêu cực có thể làm chúng ta rụt lại nhưng nó cũng có ảnh hưởng theo hướng tích cực. Nếu một nhân sự đang tràn đầy tự tin trong vai trò công việc của mình, chức năng nhận thức được cải thiện vì không bị phân tâm bởi nỗi sợ hãi, lo âu. Họ cảm thấy an toàn hơn và chủ động tương tác để việc nắm bắt hiệu quả hơn. 

Liên quan tới vấn đề này, không thể bỏ qua việc kích thích giác quan. Bởi đây là điểm mấu chốt trong quá trình tiếp nhận. Nếu tác nhân đến từ người đưa thông tin với một giọng nói đều đều, không có sự tương tác qua lại, dĩ nhiên sẽ khiến quá trình này kém hiệu quả vì các cơ quan thụ cảm của người nghe đã quen với sự ổn định và ngừng phản ứng (giống như việc ngồi trong phòng có tiếng ồn từ tủ lạnh, lúc đầu nghe rõ nhưng ngồi 1 hồi lâu mà tần số âm thanh không biến động nhiều, chúng ta thường quên bẵng tiếng ồn). 

Nắm bắt thông tin - Grasp Information

Sự thiếu kích thích giác quan làm chúng ta kém nhạy cảm hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự ghi nhớ sau đó. Nhiều cuộc phỏng vấn những bộ óc có trí nhớ siêu việt cho thấy, cách mà những thiên tài này ghi nhớ thông tin liên quan đến việc sử dụng nhiều giác quan để tạo nên một câu chuyện sinh động của riêng họ. Ví dụ, để nhớ một bài thơ về biển, thay vì cố nhớ từng từ, người ghi nhớ sẽ tưởng tượng về một bãi biển xanh với tiếng (âm thanh) sóng vỗ, vị (mùi vị) mặn của biển, ánh nắng (màu sắc) rực rỡ của mặt trời và tưởng tượng ra câu chuyện trong đầu. Câu chuyện càng có điểm nhấn cảm xúc, càng khó quên, ví dụ trên từng đợt sóng, người đàn ông ngã lộn nhào cùng tấm ván của anh ta. Lưu ý quan trọng là “nhấn” nhầm chỗ thì có nguy cơ các thông tin quan trọng thực sự bị lu mờ. 

Cho nên, ngoài việc người nghe chủ động thay đổi sự đều đều nhàm chán bằng việc kích thích giác quan thì người nói cũng cần có giải pháp, như luôn phân chia nội dung ra các phần, có highlight sau khi kết thúc từng phần.

Tiếp đến là mức độ tập trung. Khả năng tập trung của con người là có hạn. Tới hạn, ắt sẽ tìm cách để phân tâm. Do vậy, nếu quá trình tiếp nhận kéo dài, cần có quãng nghỉ ngắn để đầu óc tập trung. Tuy nhiên, để tăng khả năng tập trung thì cần: Luyện tập & hiểu mục tiêu của cuộc nói chuyện. 

Quá trình tập trung vắt kiệt trí óc vì toàn bộ sự chú ý phải đổ dồn vào 1 thứ gì đó trong một thời gian nhất định. Vì vậy, không có luyện tập, não sẽ luôn tìm cách thoát khỏi sự căng thẳng nhất định. Viết đến đây mình lại nhớ tới thời điểm mình tự học tập thiền Vipassana tại nhà 3 năm trước. Trải nghiệm 30 ngày tập thở, cảm nhận hơi thở đã giúp mình học hỏi rất nhiều để làm bạn với tâm trí, nâng cao sự tập trung. Trước đó, chưa bao giờ mình tưởng tượng ra cảnh bản thân ngồi yên ngay ngắn hơn 1 tiếng đồng hồ chỉ để cảm nhận hơi thở đang đi ra hay đi vào, hơi thở đi ra đi vào bên trái/ bên phải/ hay cả hai. Cũng chưa bao giờ tin rằng mình có thể tập trung vào hơi thở mặc cho vài cơn ngứa thỉnh thoảng xuất hiện. Nhưng, cứ làm mỗi ngày, đều đặn, tăng dần độ khó, thì rồi mình cũng làm được. Bởi vậy, hãy tìm cách phù hợp để luyện tập, làm nó đều đặn mỗi ngày, đặt mục tiêu tăng dần dần chứ đừng ép mình quá nhanh. Kiểu gì bạn cũng làm được thôi. 

Lưu ý nhỏ là khả năng tập trung còn tùy thuộc vào độ tuổi, tăng dần đến độ tuổi trưởng thành và giảm dần khi về già nên cũng cần tùy vào đặc điểm cá nhân để thiết lập mục tiêu phù hợp. Kiểu như không thể ép 1 đứa trẻ 5 tuổi đang trong độ tuổi nhạy cảm với mọi thứ xung quanh có thể rèn luyện tập trung như 1 người 18 tuổi hay 30 tuổi được. Bài viết này cũng không đề cập sâu tới những vấn đề dùng thuố.c tăng sự tập trung và các bệnh lý liên quan đến sự tập trung.

Tiếp đến là tăng khả năng tập trung bằng cách hiểu mục tiêu cuộc nói chuyện. Quá trình tiếp nhận thông tin không chỉ là đưa một loạt thông tin mới vào bên trong bộ nhớ não, nó bao gồm cả việc liên kết những thứ đã có sẵn + với những cái mới. Càng có nhiều sự liên quan, việc tiếp nhận càng nhanh chóng và hiệu quả. 

Do đó, nên xác định cho mình một mục tiêu ban đầu trước khi bắt đầu cuộc trao đổi. Hơn nữa, biết mình muốn nhận được gì sau cuộc nói chuyện sẽ giúp não chủ động trong việc ghi nhớ hơn. Từ phía người quản lý, việc vạch rõ mục tiêu chung và mục tiêu từng phần trước khi trao đổi sẽ hỗ trợ nhân sự nắm bắt hiệu quả hơn.

Trong trường hợp người đưa thông tin không nhận ra/ né tránh những kỳ vọng trong vô thức của bản thân thì khi truyền đạt, những dữ liệu này đã được “gọt rũa” hoặc bị “làm mờ” tự động. Những thông tin chuyển tới người nghe trở nên khó hiểu + não dự đoán những thông tin sao cho hợp lý và logic theo ý hiểu cá nhân => nếu không double-check thông tin thì khi nhận được feedback “thiếu thiếu một cái gì đó” trong sản phẩm đầu ra nhiều khi nằm ở những “ vùng ẩn” không nhận diện ngay từ bước truyền đạt. Có lẽ điều này cũng lý giải một phần tại sao một số người tiếp xúc với nhau nhiều lại xử lý được thông tin tốt hơn, nhờ dự đoán dựa trên kinh nghiệm tiếp xúc và hiểu biết tính cách, cách tư duy, dùng từ của người đối diện. Nhưng như đã nói, không phải lúc nào sự dự đoán cũng trúng đích. Con người còn không hiểu hết chính mình, huống chi những người xung quanh họ. 

🧠 [Xử lý, diễn giải và ghi nhớ] 

Để ghi nhớ nhiều nhất có thể các thông tin, hạn chế thông tin bị rơi vãi tạo điều kiện cho nhiều khoảng trống để suy đoán, chúng ta cần nhiều nỗ lực để đưa thông tin vào và ở lại trong đầu hiệu quả. Như những người làm công việc phân tích dữ liệu thường nói, thông tin (thô) không được xử lý thì nó cũng chỉ là những dòng dữ liệu vô nghĩa, để thông tin dễ ở lại trong đầu và chính xác hơn, chúng ta cần tổ chức, sắp xếp nó.

Nên xử lý thông tin sớm nhất có thể sau khi tiếp nhận. Thông tin chúng ta ghi chú nhanh trong lúc họp/ thảo luận thường là những từ khóa ngắn gọn. Chỉ cần một vài việc xen ngang gây phân tâm đã ảnh hưởng đến những thứ ghi nhớ trong đầu. Thử hình dung bạn vừa kết thúc buổi họp với vài ý tưởng nảy ra tức thì, vài đầu việc khác nhảy vào cần xử lý ngay, rồi tới giờ ăn, một số công việc khác phát sinh. Khi quay lại với phần việc mới được giao, mở cuốn sổ ghi chú, 1 loạt keyword ngắn và những mảng ký ức rời rạc hiện lên cùng những yếu tố không liên quan. Đó có thể bao gồm 1 chút cảm giác tức giận người giao việc, cuộc điện thoại cắt ngang, sự chán nản xen ngang dẫn tới viễn tưởng nghỉ việc, cái mụn mới ở cằm sếp (:>). Cộng thêm chút kỳ vọng bạn tưởng tượng trước đó về công việc được giao, vài gợi ý từ đồng nghiệp => một bức tranh sống động hiện lên chắp nối toàn bộ nội dung, bao gồm cả những dữ kiện chúng ta không chắc mình có nghe được không, nhưng dựa vào thế giới chủ quan của mình, ta hoàn thiện nó thành 1 phiên bản (có lẽ) mới. 

Phải nói thêm là, nếu chúng ta càng chia nhỏ thời gian để hoàn thiện việc ghi chép này, chúng ta càng tạo nên nhiều câu chuyện mới bổ sung những ký ức cũ. Giả sử, kết thúc buổi họp, bạn kiểm tra lại 1 loạt thông tin ghi chép nhanh và bắt đầu nhớ lại những thứ vừa nghe xong để hoàn thiện chi tiết, tuy nhiên bạn được gọi vào họp gấp 1 cuộc họp khác, vậy nên bạn chỉ hoàn thiện khoảng 40%. Sau cuộc họp kia, bạn quay lại hoàn thiện nốt, nhưng chỉ được 70% bạn lại bị sếp gọi vào feedback đầu việc khác. Những lần gián đoạn khiến bạn cần khởi động lại những ký ức. Tuy nhiên, vì não không hoạt động như những chiếc máy ghi, nên không phải lần nào truy cập lại vào kho lưu trữ là chúng ta cũng sẽ nhận được một bản thu y nguyên như lần đầu. Mỗi lần ta truy cập lại, bản ghi lại có thêm những chi tiết mới, đan xen, phát triển ký ức ban đầu.

Một ví dụ điển hình thể hiện đặc điểm của chiếc máy ghi phiên bản con người là chi tiết trong bộ truyện Monster (tác giả Urasawa Naoki). Trong truyện, nhân vật Thanh tra Lunge có một đặc điểm là mỗi khi thu nhận thông tin từ người đối diện thì tay ông ta cũng đồng thời làm động tác gõ tay giống như đang đưa thông tin vào máy tính – thực chất là đưa thông tin vào trong não bộ như thể đó là một bộ nhớ máy tính. Khi cần, ông sẽ truy xuất thông tin nhanh chóng và chính xác đến từng tiểu tiết nhỏ. Ông ta luôn tin tưởng cách thức mình đưa thông tin vào đầu và cho rằng đó đều là những thông tin khách quan. Trong quá trình phá án, Lunge gặp một bác sĩ là chuyên gia tâm lý tội phạm. Người này sau khi quan sát ông đã nói cho ông biết rằng, những thông tin Lunge tưởng là khách quan, thực chất đã bao gồm định kiến của ông tác động, nên nó không phải 1 bản ghi hoàn hảo. Một chiếc máy ghi sẽ ghi nhận toàn bộ thông tin nhưng bản ghi của Lunge có thể có những thông tin ngay từ đầu đã bị ông loại bỏ vì cho rằng không cần thiết hoặc những thông tin có bao gồm cảm xúc tiêu cực (vì thiên kiến của ông) khiến cách ông ghi nhận sẽ có lợi cho suy nghĩ của mình hơn là đầy đủ toàn bộ thông tin. Trớ trêu thay, Thanh tra Lunge là người duy lý, ông tôn thờ sự logic và bỏ qua mọi sự phức tạp của bộ não, kể cả của chính mình, thứ mà ông nghĩ là khách quan nhất. Dù sao thì, cũng đừng quá buồn nếu chúng ta không thể nhớ được quá nhiều thứ kiểu như 1 số thiên tài trí nhớ. Việc nhớ tất cả mọi điều xảy ra trong đời thực tế lại là điều quá kinh khủng. Quên đi cũng là một cách để sắp xếp, dọn dẹp thông tin thừa. 

Nắm bắt thông tin, tưởng đơn thuần 1 là 1, 2 là 2, hóa ra khó nhằn hơn nhiều. Tới những con số cũng hàm ý quá nhiều tâm tưởng. Ngược lại, người giao việc muốn kỳ vọng một kết quả như mong đợi cũng cần nỗ lực đưa thông tin đã được xử lý gọn ghẽ. Mặc dù sự thật là, sẽ có một bên phải nỗ lực nhiều hơn. 

Viết tới đây làm mình nhớ đến những bài tập cảm thụ văn học hồi đi học. Nơi là sân chơi cho những trí tưởng tượng vô hạn với chỉ 1 nhúm thông tin gián tiếp (thông qua tác phẩm và thông tin tác giả). Quá trình cảm thụ khiến chúng ta đặt mình là tác giả, suy tư như họ, cảm nhận như họ để thấu hiểu tại sao họ lại chọn từ này thay vì từ kia hay những ẩn ý đằng sau những hình ảnh. Đề bài yêu cầu “cảm thụ” tác phẩm của một tác giả (thường là) nhà thơ, nhà văn khiến chúng ta thiết lập những thành kiến nhất định. Nếu đó là những nhà tư tưởng lớn, mức độ kỳ vọng của chúng ta về những tư tưởng họ truyền đạt càng vĩ đại. Nếu đó là một người chúng ta thần tượng, hẳn là còn có nhiều khao khát cá nhân được đặt vào (khá buồn là thời mình học toàn phải “cảm nhận” theo văn mẫu). Ranh giới đúng – sai của thông điệp gần như không quá quan trọng mà được lèo lái sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Và tác giả có lẽ cũng muốn độc giả của mình tự do với những suy nghĩa của riêng họ, thay vì ép buộc mọi người phải hiểu đúng ý mình. 

Dù muốn hay không, thông tin vẫn mang tính tương đối. Có một câu nói được cho là từ Albert EinStein đưa ra khá thú vị: “Logic will get you from A to B. Imagination will take you everywhere”. Đặt nó trong phạm vi bài viết này, mình muốn lưu ý là, không thể chỉ học hỏi cách nắm bắt thông tin bằng logic, bằng những thứ nhiển nhiên, bằng những thứ “đã được chứng minh”. Nó còn là cảm xúc, là vô thức đan xen ý thức cả ở người đưa thông tin và người tiếp nhận thông tin. Ta dùng lý trí để hạn chế những điểm mù nhưng lý trí cũng có điểm mù?! Đúng – sai rõ ràng điều gì đó giúp ta thỏa mãn bản thân nhưng chưa chắc là tất cả sẽ cùng vui vẻ, thoải mái. Có những lúc, hiểu đúng nhưng vẫn phải nhận sai. Trực giác có thể cứu nguy trong nhiều trường hợp mà tư duy lý trí chào thua. Tóm lại, nếu chỉ đặt lý tính vào một cuộc nói chuyện để nắm bắt thông tin thì không đủ. Sự lắng nghe và thấu cảm cũng quan trọng không kém. Thế giới của lý tính, khoa học không thể làm mất đi những giao tiếp đặc biệt từ bên trong. 

Một yếu tố nghe có vẻ hơi xa vời nhưng liên quan trực tiếp đến việc nắm bắt thông tin hiệu quả, đó là chế độ ăn. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng ngốn 20-25% năng lượng cơ thể (ở trẻ sơ sinh là không dưới 65%). Vậy năng lượng đến từ đâu? Phần lớn đến từ những thứ chúng ta đưa vào miệng. Nhiều người trẻ tuổi trong thế hệ mình hay đùa nhau là tý tuổi đã “não cá vàng”. Và đằng sau những chiếc não cá vàng đó có thể là một lối sống được bao quanh bởi thực phẩm chế biến sẵn, cùng những giấc ngủ nghỉ lộn xộn. Não chúng ta hoạt động liên tục và luôn cần năng lượng. Sẽ thế nào nếu những thứ chúng ta nạp vào đầu không phải là năng lượng sạch? Ngành công nghiệp quảng cáo đã nhồi vào đầu chúng ta nhiều thuật ngữ mang tính đánh lạc hướng, khiến những cái ít quan trọng hơn thường được để tâm hơn. Ví dụ như thước đo lượng calo tiêu thụ mỗi ngày không cung cấp được thông tin là thực phẩm bạn nạp vào có tốt cho bạn hay không. Hay cân nặng không đánh giá được chế độ ăn của bạn có đang lành mạnh hay không. Ví dụ bạn là người nhẹ cân (so với tiêu chuẩn BMI) nhưng có tỷ lệ mỡ nội tạng cao, bạn vẫn có nguy cơ đột quỵ cao hơn người nặng cân hơn bạn nhưng tỷ lệ mỡ nội tạng thấp. Một cơ thể chỉ nạp những món ăn no bụng nhưng thiếu chất không thể đủ khỏe mạnh để làm việc được. Nếu bạn muốn 1 chiếc não tỉnh táo sau giờ nghỉ trưa, hãy cân nhắc loại bỏ những món ăn hấp dẫn nhưng “nặng bụng” từ những app giao hàng tiện lợi. Nếu muốn chiếc não ấy luôn khỏe mạnh để giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, hãy thực sự nghiêm túc dành thời gian để tâm đến chế độ ăn uống của mình. “Tell me what you eat, and I will tell you what you are” – Jean Anthelme Brilliat-Savarin, The Physiology of Taste.

P/s: Bài viết này chỉ đang dừng lại ở lát cắt rất nhỏ trong bộ não siêu tinh vi. Mình không muốn dừng lại ở đây, với những thứ “có vẻ” khách quan, khoa học. Còn rất nhiều sự tranh cãi về ý thức, tiềm thức, vô thức  - những khái niệm được phân tâm học giới thiệu. Sẽ còn những bí ẩn vô hạn cần tìm kiếm từ bộ não thần kỳ của chúng ta. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là con người luôn yêu thích những câu chuyện. Nắm được ý nghĩa, mục đích là mấu chốt để cả quá trình tiếp nhận thông tin và nắm bắt được sâu sắc hơn. Giúp liên kết các mẩu thông tin nhàm chán, khô khan thành 1 thể thống nhất có liên kết. Tạo nên những kết nối vững chắc. Quá trình này giống như quá trình học tập vậy. Tiếp nhận những thông tin, hiểu được ý nghĩa đằng sau đó, liên kết lại.

Lưu ý: Trong một cuộc hội thoại trao đổi thông tin luôn có tối thiểu 2 người là người đưa thông tin và người nhận thông tin. Bài viết này tập trung nhiều hơn đến kỹ năng nắm bắt thông tin của người nhận. Có nhiều dạng giao tiếp thông tin, bài viết chỉ tập trung vào giao tiếp bằng giọng nói trực tiếp (mặt đối mặt, face-to-face communication) hoặc giọng nói nhưng gián tiếp qua màn hình. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến