THỜI GIAN CỦA CHÚNG TA

Một sáng làm việc, mình chợt nhận ra xung quanh mình là những phiên bản khác nhau của đồng hồ đếm thời gian: Đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn, đồng hồ treo tường, đồng hồ điện thoại, đồng hồ máy tính. Không lúc nào chúng ta không biết đang là mấy giờ. Ai cũng sợ đánh mất thời gian. Chúng ta muốn mình được sống trọn vẹn trong mọi khoảnh khắc, nhưng thực sự thì chúng ta đang sử dụng thời gian như nào? 

Trong rừng, sinh vật dựa vào vị trí mặt trời và nhịp sinh học bên trong cơ thể để cảm nhận thời gian và thay đổi trạng thái theo bản năng. Ngày nay, loài người phụ thuộc vào đồng hồ để biết bây giờ là mấy giờ. Nhịp sinh học của rất nhiều người trong chúng ta không đồng bộ với thế giới bên ngoài, có thể do lượng thức ăn tiêu thụ, căng thẳng, ánh sáng từ thiết bị điện tử, nhiệt độ... Thật khó để tập trung cảm nhận quỹ đạo thời gian đang trôi qua như thế nào. Không phải cứ là buổi sáng thì chúng ta sẽ thức dậy trong sự khoan khoái, tràn đầy năng lượng. 9h tối vẫn có thể lạc lối trong trung tâm thương mại không biết mệt mỏi vì những ánh đèn sáng rực rỡ như ban ngày và những ly trà sữa hay cà phê push năng lượng. 

Học sinh, sinh viên thì cần có thời gian cho học tập, cho thi cử, cho các hoạt động ngoại khóa, cho công việc làm thêm kiếm kinh nghiệm, và cho cả những sở thích cá nhân. Người đi làm thì cần có thời gian để  hoàn thành những deadline công việc của 2-3 jobs cho một khoảng thời gian ngắn với dồn dập yêu cầu mới được đưa ra liên tục nhưng vẫn cần có thời gian cho gia đình, người yêu, bạn bè và những buổi cà phê mở rộng network. Đến cả trẻ con ngày nay cũng bận rộn từ nhỏ. Bất cứ một khoảng trống thời gian nào cũng được lấp đầy bằng những hoạt động ngoại khóa bên ngoài để không dư thừa, phí phạm, hay đôi khi là không làm phiền người lớn vì, nhà còn bao việc mà!

Vì quá nhiều thứ phải làm trong 24h đồng hồ nên cuộc sống cần phải “tiện lợi” hơn. Cửa hàng tiện lợi, dịch vụ giao đồ ăn tiện lợi, thức ăn sơ chế sẵn tiện lợi, cà phê ngủ tiện lợi. Tất cả đều hướng tới việc giảm thiểu thời gian nấu & ăn, thời gian ngủ nghỉ. Sáng hay tối không quá quan trọng vì luôn có những dịch vụ/ sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản cho chúng ta để không “cản trở” những mục tiêu “lớn lao hơn”. Chúng ta cần năng lượng phải “lên” để vừa có thể làm việc cả ngày mà hiệu suất luôn cao. Một ngày với nhiều người sẽ hoàn hảo nếu đó là ngày họ làm được nhiều việc nhất có thể, còn ngược lại là vô dụng! Nếu có cơ hội để vươn lên so với người khác thì tại sao không tìm cách để làm điều đó nhỉ?

Chúng ta không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì trong cuộc sống nhưng thực tế chúng ta lại bỏ lỡ rất nhiều điều trong cuộc sống của mình.

Hãy thử suy nghĩ về 2 nhu cầu cơ bản dễ bị đối xử tệ bạc nhất trong quỹ thời gian mỗi ngày. Ăn uống & ngủ. 2 hoạt động mà phần đông mọi người có khả năng để sở hữu và kiểm soát.

Bao nhiêu lần bạn ngồi ăn mà chỉ tập trung vào việc nhai và cảm nhận vị ngon ngọt của món ăn mà không động vào điện thoại để check tin nhắn hay xem một clip hài? Bạn có bao giờ cảm nhận cảm giác uống một ngụm nước, rồi quan sát nó len lỏi qua các bộ phận cơ thể chưa? Nếu chúng ta thực sự đang tìm cách sống trọn vẹn với thời gian mà mình có thì chúng ta có ăn uống vội vàng không? 

Ăn uống và ngủ là 2 hoạt động quan trọng quyết định năng lượng một ngày của một người sẽ diễn ra ra sao. Giả sử, đặt 1 người vào tình thế không kịp ăn và không kịp ngủ theo nhịp sinh học, họ sẽ làm gì để có năng lượng làm việc sau đó. Chúng ta có thực phẩm bổ sung năng lượng cao, sản phẩm nhiều cafein hay đôi khi là những viên thuốc như Adderall để chúng ta không cần phải thực sự ăn và ngủ đúng bữa nữa. Đối với trẻ con, thời gian của chúng ít gấp gáp hơn nhưng sự hứng thú với ăn uống cũng giảm dần. Nhìn từ cháu mình thôi, không xem ti vi hoặc không xem điện thoại thì hoạt động ăn với chúng là cực hình. Nhiều lúc, khi chúng mải ăn mải chơi, thì sẽ có 1 hộp sữa để uống thay thế. 

Nhưng, ăn và ngủ là hoạt động gây lãng phí 1 ngày đến vậy sao? Thực tế thì, khi nằm viện, 2 hoạt động duy nhất mà chúng ta làm là ăn và ngủ. Không phải vì đó là những hoạt động vô tri, không có ý nghĩa, mà vì đó là 2 hoạt động quan trọng để phục hồi thể trạng. 

Đối với mình, tiền đề cho một cuộc sống hạnh phúc là ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc. 

Ăn ngon miệng không phải là ăn sướng miệng. Thực phẩm ngày nay nhiều phụ gia tạo cảm giác nghiện nhưng ăn xong thường mệt mỏi. Ăn xong lại phải dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa thì chẳng hóa là những món chúng ta ăn là độc hại? Ăn ngon miệng nên là ăn xong thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Ăn uống đủ lượng và chất với cơ thể của mình, và phù hợp với đặc điểm khí hậu nơi mình sống. 

Cách đây 1 năm, mình vẫn là người tiếc từng chút thời gian làm việc, ngồi ì trên ghế cả ngày, đặt đồ ăn nhiều tới mức đủ thìa đũa dùng 1 lần để cho vào gần trăm suất cơm từ thiện hàng tháng. Nhưng bụng dạ thường xuyên ì ạch, uể oải mệt mỏi liên tục, ngủ không ngon giấc. Mấy người bạn trên 30 như mình hay nói đùa với nhau là: tuổi già đến rồi. Nhưng thực chất là hệ thống tiêu hóa của chúng ta hoạt động nhiều quá đến mức mệt mỏi. Đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ với não nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Khi chúng ta căng thẳng, bụng dạ bồn chồn thậm chí thèm nôn khan. Khi ở trạng thái trầm cảm, chúng ta “buồn thối ruột” đến mức chẳng buồn ăn uống gì. Khi bụng ọc ạch khó tiêu, chúng ta uể oải, khó tập trung lại với công việc. Những tín hiệu thần kinh được dẫn truyền qua lại giữa đường ruột và não chi phối cách chúng ta sống. Tìm cách tối ưu thời gian để làm việc là vậy nhưng những năm gần đây, khoản thu chi cho y tế và sức khỏe của mình vẫn tăng dần đều. Không ai muốn đi viện cả, chẳng ai muốn bước vào phòng khám, trước hết là vì tốn kém, sau đó là vì sợ hãi, cuối cùng là sợ tốn thời gian. “Tôi không muốn đi viện vì tôi còn việc này việc kia chưa xong”. 

Dù giải pháp thì thật sự đơn giản: Không một bài thuốc nào có thể thay thế cách ăn đúng đắn, phù hợp cơ thể. Vì bệnh từ miệng mà ra. Vì khi trưởng thành, không ai ép được chúng ta phải ăn gì, mọi thứ đều là lựa chọn từ chính chúng ta mà thôi. Một hoạt động mà chúng ta dành một khoản chi không nhỏ trong thu chi hàng tháng như ăn uống nên được quan tâm hơn thay vì “keo kiệt” quỹ thời gian như vậy.  

Quá trình cảm nhận cơ thể và tìm cách ăn phù hợp cho bản thân là một hành trình dài và cần sự kiên trì, kiên định. Với mình, nó bắt đầu từ hành động quan sát cơ thể và cảm nhận cùng nó. Dù cảm giác không phải lúc nào cũng dễ chịu vì cuộc sống đầy rẫy tiếng ồn ào, âm thanh chói tai, sự giật gân đang khiến chúng ta ngày càng kém nhạy cảm và luôn muốn được đẩy lên cao nữa. 

Hãy bắt đầu quan sát từ những hành động đơn giản nhất, để việc cảm nhận của bản thân ngày càng sắc nét, để nhận thấy những giác quan của mình nhạy cảm thế nào và cuộc sống sống động biết bao. Ví dụ như khi mình sắp xếp bát đĩa vào tủ. Mình lắng nghe thấy tiếng leng keng của bát đĩa, cảm nhận cái chạm tay vào từng đồ vật. Khi ở cạnh người yêu, người thân, hãy thử dành thời gian để cảm nhận cảm giác chạm vào đôi tay đó, dù có thể bạn đã nắm bàn tay đó rất nhiều lần rồi, nhưng chắc chắn rằng, cảm giác mỗi lần sẽ khác nhau nhiều đấy. Và bạn cũng sẽ nhận ra được nhiều điều hơn từ mỗi lần chạm tay ấy. À, thử bỏ bớt đồng hồ đếm giờ đi để tập trung hơn trong từng giây phút nhé. 

Còn về giấc ngủ, ngủ ngon giấc là điều mà nhiều người trưởng thành khát khao. Có những người chỉ cần nhắm mắt là ngủ một mạch, có những người phải đấu tranh và dùng đủ mọi cách để có thể ngủ được. Với nhiều người, hoạt động ngủ là vô dụng, với nhiều người, ngủ được và được ngủ là một niềm hạnh phúc. Và những tranh luận không hồi kết về việc ngủ bao nhiêu lâu là đủ? 

Ngủ chắc chắn thiết yếu với con người, nếu bạn thiếu ngủ đủ lâu, bạn sẽ ch*t. Động vật ngủ đông cũng cần ngủ. Giấc ngủ không chỉ đơn thuần để nghỉ ngơi. Ngủ là để chúng ta tỉnh táo. Nhưng thời gian ngủ ở tất cả các độ tuổi đều đang giảm dần. Có một điều theo mình chúng ta không nên làm với người khác đó là cấm họ ngủ khi họ thật sự muốn ngủ. 

Thanh thiếu niên là đối tượng thường bị mang ra trách móc nhất khi họ dậy muộn. Nhưng nhịp sinh học của họ khác với người trưởng thành, và khác với người già. Trường học thường bắt đầu giờ học vào lúc 7h, nghĩa là những đứa trẻ sẽ thường phải dậy từ 6h để chuẩn bị cho mọi thứ. Nhà gần thì có khi chỉ cần 10p để chuẩn bị và vào lớp trước 1-2 phút. Nhưng hầu như cuộc sống thành thị chật chội khiến những đứa trẻ không phải lúc nào cũng có nhà ở gần trường. Chúng ta thường lấy cuộc sống mệt mỏi của một người trưởng thành để mắng mỏ một đứa trẻ nhiều năng lượng vào lúc 9-10h tối và chê bai chúng khi uể oải dậy sớm vào mỗi sáng. Hãy nhớ là, giờ giấc sinh học của chúng ta có sự khác nhau. Một đứa trẻ thiếu ngủ có thể không tỉnh táo khi sang đường vào ngày hôm sau, và ai biết được, điều gì có thể xảy ra. Một đứa trẻ vui vẻ rồi dần trở nên dễ cáu kỉnh, bực bội có thể vì chúng đang thiếu ngủ trầm trọng. Một đứa trẻ không ngủ mà học ngày học đêm có thể vì nó sợ ngủ là vô dụng. Một đứa trẻ luôn sống trong thấm thỏm và ngủ gật khắp nơi có thể vì nó sợ hãi đến ám ảnh tiếng quát gọi dậy mỗi sáng của bố mẹ. Những đứa trẻ đó, khi chúng không còn hứng thú với ăn và không dám ngủ thì sớm muộn cũng không thể ngủ và ăn một cách bình thường được. Và khi trưởng thành, chúng sẽ vật lộn y như chúng ta?

Cảm giác hạnh phúc nhất mình gặp trong đời liên quan tới giấc ngủ đó là vào lần đầu tiên mình tập thiền. Dù trước đó mình chỉ ngồi yên trong khoảng 45p, nhưng sau đó, mình thật sự rất buồn ngủ và ngủ ngay lập tức mà không cần vật vã tìm cách ngủ. Một cảm giác rất thoải mái mà trước đó mình không có. Chẳng có bí quyết gì ghê gớm ở đây cả. Mình chỉ tập trung quan sát 1 thứ trong 1 thời điểm, sự thở ra hít vào. Điều này làm cái tâm lan man không chịu ngủ của mình an yên hơn. Và mình vào giấc một cách nhẹ nhàng. 

Đến bây giờ, mỗi lần mình vật vã để ngủ, mình biết là tâm trí mình cực kỳ bất an. Những lúc đó, nếu không thể tìm cách kéo tâm về bằng cách quan sát hơi thở, mình cũng sẽ không ép mình ngủ dù khi đó rất mệt. Dù có lúc những suy nghĩ méo mó sẽ xuất hiện: Còn bao nhiêu việc phải làm mà sao không chịu ngủ? nhưng khi bình tĩnh lại, mình biết mình không sai khi ngủ lúc mình muốn ngủ. Ăn và đào thải cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên chúng ta có thể giúp chính mình ngủ được ngon bằng cách quan tâm đến việc ăn uống. 

Khi có thể dành lại sự ưu tiên cho ăn uống và ngủ nghỉ, thời gian sẽ không đối xử tệ với chúng ta. Bởi cơ thể sẽ đủ tỉnh táo và khỏe mạnh để giúp ta sống và cảm nhận sâu sắc mọi chuyển động. Thời gian sẽ cho ta nhìn thấy mình đang lớn lên, già đi và thay đổi. Ngược lại, khi ta ngược đãi những nhu cầu cơ bản này, thời gian sẽ chạy nhanh đến mức chớp mắt đã không còn thấy mình tồn tại rồi..

Và, dù muốn hay không, chúng ta không thể nào đảo ngược thời gian như TENET, không thể nhảy vào chiều không gian thứ 5 như Cooper (Interstellar) để nhìn thấy quá khứ - thực tại - tương lai. Chúng ta không thể kéo giãn thời gian khi sống ở trên Trái Đất. Chúng ta cũng sẽ khó mà gặp được Sandman – Chúa tể Giấc mơ và Thần chết như Robert Gadling (The Sandman – Netflix) để được lập giao kèo sống đến khi nào chán thì thôi. Chúng ta chỉ có hữu hạn thời gian cho mình. Và vì vậy, chúng ta chỉ có thể tiến về phía trước, cảm nhận thời gian bằng cách quan sát những chuyển động vi tế nhất trong cơ thể. Để thấy từng giây phút đang thở, chạm, rung động đều thật ý nghĩa, để thấy những khoảnh khắc trong cuộc đời đều thật vi diệu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến