CÁI GIÁ ĐỂ LỰA CHỌN CÔNG VIỆC PHÙ HỢP

Hai năm trước, mình phỏng vấn một bạn mới ra trường nhưng đã đi làm từ năm 1 Đại học nên CV cũng khá dầy. Bạn này được giới thiệu sang là chuyên môn tốt, cứng cáp, nên mình kỳ vọng hơn chút so với các bạn ứng viên khác cùng tuổi. Phỏng vấn một hồi thì mình thấy, tuy bạn làm khá nhiều công việc nhưng đều là việc có SOW (Scope Of Work - Phạm vi công việc) đơn giản, trong cùng 1 thời gian, cùng 1 ngành hàng, nên chính xác hơn là bạn làm quen tay chứ kỹ năng chuyên môn chưa nét. Bạn cũng biết điều này, nên có chia sẻ đó cũng là lý do bạn apply bên mình để thoát ra vùng an toàn. Tuy nhiên phần deal lương thì gặp vấn đề, vì mức lương bạn kỳ vọng không phù hợp với năng lực hiện tại nên mình chỉ có thể chấp nhận mức thấp hơn khoảng 25%. Nên cuối cùng, sau 1 ngày suy nghĩ, bạn từ chối offer.  

Điều này cũng dễ hiểu, vì đi làm sớm và làm nhiều công việc cùng lúc nên bạn có nguồn thu nhập cao hơn so với các bạn cùng trang lứa. Rất khó để chấp nhận mạo hiểm offer bên thấp hơn mà không biết có đáng để đánh đổi không. Trong buổi phỏng vấn hôm đó, mình có kể cho bạn nghe 1 câu chuyện cá nhân để bạn có thêm góc nhìn và lựa chọn. Hồi mới đi làm, mình từng được 1 đồng nghiệp cũ giới thiệu công việc gần gấp đôi lương bên cũ dù khi đó non choẹt. Vì không tìm hiểu kỹ, nên khi vào làm mình mới nhận ra là cả môi trường làm việc lẫn cơ hội phát triển chuyên môn gần như không có. Thêm nữa kinh nghiệm còn yếu, nên vô đó vô cùng ê chề vì bị chê trách nhiều. Càng bị chê trách, mình càng tự ti và không dám thể hiện bản thân. Dần dần thu mình lại. Mình quyết định nghỉ việc vài tháng sau đó dù cũng được một chị quản lý dự án khuyên nhủ. Mình chấp nhận mức lương thấp hơn ở công ty sau đó bởi mình biết nó phù hợp với khả năng của mình lúc đó hơn. Và đó là một trong những quyết định đứng đắn nhất trong đời mình. Ở đó, mình đã khám phá được rất nhiều khả năng khác của bản thân, làm được việc nên mình cũng được tăng lương (2 lần) và ngay lần tăng đầu đã cao hơn bên kia. Nhưng cái quý giá hơn là nhờ làm việc ở môi trường phù hợp nên mình càng tự tin bộc lộ những tiềm năng ẩn sâu. Đó là những điều mà tiền bạc hay những thứ bói toán, tư vấn không thể đưa ra cho mình được. Dĩ nhiên, nếu thứ mà thời điểm đó bạn ứng viên kia ưu tiên hơn là tiền thì mình cũng không ép được, dù thực sự thì chênh 25% ở mức lương junior không đáng bao nhiêu. 

Sau này, mình cũng gặp rất nhiều trường hợp các bạn làm nhiều nhưng bị nghiêng về số lượng hơn là chất. Trừ những người thực sự cần tiền tức thì thì hầu hết các bạn FOMO (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ) với bạn bè nên bị thúc đẩy phải kiếm thật nhiều công việc, nhằm tăng thu nhập nhanh chóng. Mình có nói với các bạn đại ý là, bây giờ các bạn còn trẻ, các bạn còn sức nhận 4-5 công việc như vậy nhưng các bạn không thể làm như thế khi các bạn lớn tuổi hơn được. Phần vì thời gian đã bị co hẹp vì còn dành cho gia đình. Không lập gia đình thì còn vấn đề sức khỏe. Không thể sống từ giờ tới cuối đời mà ngày ngủ 2- 3 tiếng được. Mình cũng từng trải qua thời kỳ làm cùng lúc 4 công việc (bao gồm 1 công việc full-time) khi muốn phụ giúp gia đình chuyện chữa bệnh, sau 1 tháng, mình phải bỏ đi 2 công việc vì cái giá không đáng. Vấn đề chính nằm ở việc kinh nghiệm ít nên thu nhập từng việc rất nhỏ, chất lượng công việc không cao, hầu hết làm tay chân. Nên làm mãi không hết việc, dẫn đến thiếu ngủ, bỏ bữa. Mà cuối cùng thì, mình cũng chẳng giúp được gia đình bao nhiêu. 

Mình đã chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp cũ bào chính bản thân như vậy cho đến khi đủ lâu để nói NO CHOICE nên không thể dừng lại.

Do đó, mình cũng chia sẻ rằng, các bạn nên rèn giũa những thứ mình đang có thật sắc bén, để nếu có nhận 4-5 công việc thì mình cũng không phải tự làm hết từ A-Z mà đủ khả năng quản lý 1 nhóm hoặc làm 1-2 công việc nhưng thu nhập vẫn tốt. 

Nhưng làm sao để biết được cái gì mình làm tốt để mài giũa? Thực tế, để mình hiểu bản thân như hiện tại cũng là nhờ những công việc đã được trải qua. Không ai có thể biết chắc chắn, công việc này tôi lựa chọn sẽ là việc tôi sẽ làm rất giỏi (và tôi rất thích) được. Mỗi công việc mình trải qua cho mình cơ hội tiếp xúc nhiều người khác nhau. Nhờ những người sếp, đồng nghiệp, đối tác, nhân viên từng làm việc cùng, mình mới lại có thêm cơ hội để biết về chính mình. 

Những người làm trắc nghiệm bản thân thường hay được cho một tệp câu hỏi để hỏi chính mình và hỏi những người bạn xung quanh là vì vậy. Ta nhìn mình trong gương không hẳn là ta. Nếu bạn luôn ám ảnh với cân nặng hay khuôn mặt thì bạn chỉ nhìn thấy những thứ xấu xí, khiếm khuyết trên cơ thể. Nếu bạn tự tin thái quá, bạn chỉ nhìn thấy những mặt đẹp đẽ và bỏ qua những tật xấu làm tổn thương người khác . Chúng ta không bao giờ nhìn thấy rõ chính mình dù là nhìn mình trực diện trong gương. Và mỗi người chúng ta tiếp xúc, dù tốt hay xấu, già hay trẻ, ngốc nghếch hay thông minh đều sẽ giúp ta nhìn thấy những lát cắt khác bên trong con người mình. Hiểu bản thân hơn giúp mình lấy lại cân bằng mỗi lần chông chênh. Vì cứ mỗi lần bước một bước mới, ai mà không hồ nghi điều mình đã chọn chứ? Kể cả những người tự tin nhất. 

Năm kia chia sẻ trong Onmic, mình có nói với 1 người em là, em đừng quá cực đoan với bản thân là mình phải ra quyết định đúng ngay lựa chọn đầu tiên. Hãy cho bản thân được thử nghiệm, nếu cứ rón rén đứng ở ngoài và cân nhắc quá nhiều thì có lẽ không bao giờ em biết được mình là ai, mình muốn gì và mình làm được gì. Thay vì nghĩ, mình chọn việc này là cả đời này mình sẽ chỉ làm việc đó thì hãy cho bản thân thoải mái hơn với suy nghĩ. Biết đâu 5-10 năm nữa mình lại làm một công việc khác. Những công việc trong đời sống này đều liên quan mật thiết với nhau, và bổ trợ cho nhau nên không một trải nghiệm nào là dư thừa cả. Cũng đừng để những khái niệm công việc làm bó hẹp việc học hỏi của bản thân. Con người sinh ra không được định sẵn là để làm kỹ sư, làm truyền thông, làm thiết kế hay làm bảo hiểm. Nên nếu như có ai đang đọc bài viết này đang cảm thấy chán ghét bản thân vì chưa tìm ra công việc phù hợp thì hãy cho chính mình một cơ hội để thử nhé. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến