PHÂN TÁN, PHÂN TÂM
Trong một lần quan sát những thứ xung quanh bàn làm việc cá nhân, mình nhận ra, khi mình càng để ít đồ và đồ càng ít họa tiết thì mình càng thoải mái, tập trung. Đây là khu vực mình tiếp xúc phần lớn thời gian trong ngày, và việc đơn giản hóa nó tỷ lệ thuận với tâm trạng tốt. Dần dần, mình hình thành thói quen dọn dẹp & giản lược đồ trong nhà định kỳ. Từ ngẫu hứng đến 2 tháng/ lần, và hiện tại là vài tuần/ lần. Thấy nhiều thì dọn, thấy ngứa mắt thì dẹp. Khi mới bắt đầu, những thứ mình lược đi tưởng kha khá, nhưng thực tế chỉ như muối bỏ bể. Tới lần chuyển nhà, mình mới nhận ra, số thứ mình đã xử lý nửa năm trước đó chưa tới nổi 5% tổng đồ đạc. Có vài điều đã khiến quá trình này diễn ra chậm chạp.
Thứ nhất, có những món đồ mình luôn loại trừ trước khi dọn. Ví dụ:
- Vật kỷ niệm. Là những thứ nặng giá trị tinh thần và luôn mặc định giữ lại. Có những món, mình thậm chí còn quên mất sự tồn tại của nó trong nhiều năm. Sau này, khi thay đổi cách nghĩ về giá trị vật kỷ niệm, mình đã biết buông bớt. Những cảm xúc hay kỷ niệm quan trọng thực chất đã ở trong tâm trí từ lâu mà không cần có đồ đạc gợi nhắc. Và mình chỉ giữ lại những thứ thật sự có ý nghĩa, không thể thay thế.
- Những món đồ được cho. Từ bạn bè hay người thân, mới tinh hoặc mới chỉ sử dụng 1 – 2 lần. Thường ngay tại thời điểm nhận, mình không thường hỏi lại bản thân, mình có thật sự cần nó không? Hay mình sẽ dùng nó chứ? Khá giống tình cảnh nhận quà khi mua hàng. Trong nhiều trường hợp, bạn không thật sự cần nó, nhưng nó miễn phí mà nhỉ? Cứ mang về thôi, biết đâu tới lúc dùng. Và, khả năng cao là, không bao giờ động tới. Bởi vậy, trong lần gần nhất khi mình lọc đồ thừa, ngoài những món phù hợp gửi tặng người thân, số còn lại mình mang bán, dù là với giá rẻ. Bởi, một món đồ phải bỏ tiền ra mua, phần nào đó, cũng giúp người mua có trách nhiệm hơn. Mình đã trải nghiệm cảm giác này khi dùng chính số tiền bán đồ thừa để mua 1 thứ thật sự cần thiết. Cảm thấy xứng đáng từng đồng.
Thứ hai, việc quyết định mua một món đồ dễ hơn là cho/ bán
Chúng ta đang và luôn sống trong một thế giới được khuyến khích có thật nhiều đồ đạc. Đồ đạc ở khắp mọi nơi, từ những thứ công năng “vô tri” cho tới những thứ đa năng. Từ những thứ chúng ta cần đến những thứ chúng ta không thực sự cần lắm (mà chỉ nhìn bị ảnh hưởng bởi thứ người khác có). Dù sống ở đâu, chỉ cần có internet, ai cũng có thể đặt hàng ở khắp mọi nơi với tốc độ xử lý & giao hàng ngày càng chóng mặt. 24h? 8h? 2h? 30 phút? Nhanh tới mức không kịp dùng chút lý trí cuối cùng để ngăn cản hành vi mua hàng vô tội vạ ^^. Đáng tiếc là cảm giác vui sướng khi có một thứ đồ trong tay có vẻ như tỷ lệ nghịch với sự nhanh chóng này. Đôi khi vừa nhận hàng và bóc ra xong là cảm giác háo hức biến mất hoàn toàn. Và sau đó, chất đống nhà là những món đồ mãi mãi chưa bao giờ được cắt mác hoặc chỉ được dùng một lần rồi nằm ở một góc thật sâu, cho tới khi chủ nhân thấy chán, hoặc muốn dọn dẹp để dành không gian cho món đồ mới sắp về thì mới được lôi ra.
Mình đã từng viết về chủ đề “sự thuộc về” nhỉ? Sở hữu một món đồ là một trong những cách dễ dàng để nhận diện “sự thuộc về” của một cá nhân với một cộng đồng mà họ muốn được công nhận. Nhu cầu được chú ý, được nhận diện luôn hiện hữu ở loài người, dù mỗi thời thể hiện mỗi khác và dựa vào nền văn hóa thời kỳ đó. Những bậc thầy Marketing khai thác triệt để tâm lý này rồi áp dụng vào mọi chiến thuật, chiến lược tiếp thị và viết thành công thức cho các thế hệ sau tiếp tục khai thác. Đi mãi cũng thành đường, nói mãi cũng thành thật. Có những “khao khát” tưởng là của cá nhân nhưng hóa ra lại có thể nhào nặn được. Tiếc là, chúng ta không thể thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế gắn chặt tới từng cú click chuột, mỗi ngày.
Thứ ba, vì có quá nhiều thứ phải lựa chọn tới mức không thể quyết định
Quá ít sự lựa chọn làm chúng ta cảm giác bức bối, nhưng thừa thãi sự lựa chọn, khiến chúng ta tự “đốt” sạch thời gian vào trò chơi cân nhắc. Mình từng là người chỉ có tối đa 3 đôi giầy/ dép. Rồi bằng cách nào đó, mình x4 số đó (không sưu tập). Và rồi, khi dọn đồ tặng, mình mất vài ngày để suy nghĩ chỉ vì: Đôi này thì để đi dịp này, đôi kia dịp kia, đôi này thích hợp đi trời nắng, đôi kia hợp trời mưa, hai đôi cùng dáng nhau thì một đôi màu sáng, một đôi màu tối @@. Đương nhiên, chẳng tự nhiên mà những nhu cầu này xuất hiện trong đầu. “Cảm ơn” những câu chuyện truyền thông cảm động và lôi cuốn cho chúng ta thêm lý do để “click” mà không cảm thấy có lỗi.
Tuy chỉ đang tập trung ở khía cạnh đồ đạc, nhưng mình dám cá là phần lớn những người sống ở thời đại này đều bội thực bởi những việc phải đưa ra quyết định mỗi ngày. Từ chỗ phản đối “độc quyền”, chúng ta được dí vào tay mình việc tự quyết định, từ ăn uống, may mặc đến giáo dục, và cả y tế! Từ lúc chỉ cần cân nhắc quyết định vào những thời điểm quan trọng của cuộc đời, giờ thì, mỗi ngày mua hàng, chúng ta luôn phải cân não. Cụm từ “người tiêu dùng thông minh” hay “quyền quyết định là ở bạn” như chiếc bẫy dẫn chúng ta vào mê cung. Quá nhiều sự lựa chọn không chỉ làm mất thời gian để suy nghĩ, mà còn khiến chúng ta dễ đưa ra những quyết định sai lầm, vì chọn bừa. Đối với mình, hoặc là mình sẽ vứt hết đi hoặc là sẽ giữ hết lại vì không lọc nổi. Chỉ cần nhìn đống đồ ngồn ngộn trước mặt là não chào thua.
Thói quen tích trữ ảnh hưởng bởi nhiều thế hệ, những trạng thái tâm lý… có thể cũng là những yếu tố khiến quá trình dọn dẹp của mình bị chậm lại. Nhưng tựu chung, từ việc nhìn lại quá trình này, mình cũng mới soi chiếu lại rõ hơn cách sống của bản thân trước giờ. Phân tâm vào những điều không quan trọng, vì những động lực “không phải từ nhu cầu của bản thân” không chỉ khiến mình ngập tràn trong những “đống rác” mà còn làm mình stress, và mất đi những thời gian quý báu cho người thân yêu hay thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống.
Quay trở lại một chút về quá khứ. Những “câu chuyện” hấp dẫn nhất thời văn minh này là gì nhỉ? Là những dự báo về một tương lai xịn xò, tối tân, nơi con người không cần làm việc nhiều, vì có máy móc, công cụ thông minh hỗ trợ. Chúng ta sẽ “hạnh phúc” vì có thời gian tận hưởng cuộc sống “tốt hơn”. Những viễn cảnh kiểu vậy không phải mới bắt đầu từ thế kỷ này mà đã xuất hiện từ những thế kỷ trước đó. Nhưng hiện thực? Là số giờ làm việc ngày càng tăng. Từ 8 tiếng, 10, 12 tiếng. Rồi đến một nấc thang mới: Làm như không làm. Động lực làm là để hướng tới cuộc sống tốt hơn, thịnh vượng hơn. Đồng nghĩa với việc, mua nhiều đồ hơn để hỗ trợ cuộc sống. Và để mua đồ nhiều hơn, chúng ta cần làm việc nhiều hơn. Làm việc nhiều hơn, căng thẳng nhiều hơn, lại cần “bồi bổ” tâm hồn bằng những món đồ mới để khỏa lấp mọi thứ. Mua thứ cần để tồn tại, để sống trong xã hội này, là cần thiết. Nhưng mua để khỏa lấp thì lại là sự lãng phí, cả tâm trí, sức lực và thời gian, và đôi khi, là khiến cho áp lực cuộc sống thêm kéo dài.
Viết tới đây mình lại nhớ tới một show thực tế về tài chính cá nhân. Anh chuyên gia tài chính giải quyết một case đôi vợ chồng 40 tuổi muốn lập kế hoạch để mua nhà riêng nhưng đang có một khoản vay cá nhân khổng lồ được trả nhỏ giọt vì thói quen mua đồ vô tội vạ để thỏa mãn những cơn bức bối cuộc sống. Hơn thế, đôi vợ chồng này mất thêm khoảng $400/ tháng để trả tiền thuê kho lưu trữ cho những món đồ chất đống không bao giờ xài. Và vòng lặp bức bối lại tiếp diễn vì những khoản chi tưởng nhỏ nhưng gom lại thì lớn, đôi vợ chồng ngày càng sốt ruột với mục tiêu mua nhà mãi không khả thi và lại chi tiền để mua những món đồ thỏa mãn sự sở hữu, và rồi, lại chất hết vào kho. Rõ ràng, vấn đề của đôi vợ chồng sẽ chẳng thể được giải quyết nếu sự tập trung không được đặt đúng chỗ, mà lại đặt vào những cú “click” mua hàng.
Một người em từng là nhân viên cũ của mình cũng từng rơi vào khủng hoảng vì đặt sự tập trung vào sai chỗ. Cô bé là người rất thích mua sắm, thậm chí có thể ăn uống kham khổ để dành tiền mua một đôi guốc, chiếc túi. Bởi vậy, khi lần đầu đi làm, và chọn phải môi trường thực sự không phù hợp, cô bé vẫn cố bám trụ vì sợ nghỉ khi chưa tìm được việc, sẽ không có tiền để ăn tiêu mua sắm. Và, vấn đề chính thì vẫn nằm ở đó. Rồi, sau rất nhiều lần lưỡng lự, cô bé cũng nghỉ việc. Đúng là sau đó em cũng chỉ sống = 1/3 thu nhập trước đấy, nhưng em nói với mình, hóa ra không mua đồ vẫn sống được bình thường. Quan trọng là, em đã giải quyết đúng vấn đề mà em cần làm.
Nhưng làm sao để thoát khỏi những sự phân tâm bủa vây từ đồ đạc?
Cách duy nhất để thoát khỏi điều này chắc là đừng làm con người :_:. Một giống loài sống bầy đàn, luôn quan sát người khác để sống, thì sao có thể ép bản thân làm điều ngược lại?
Đến thời điểm khi viết bài, mình đã thay đổi cách nghĩ, cách sống rất nhiều, nhưng sự phân tâm vẫn mời gọi mỗi ngày. Bù lại, đầu óc thông thoáng hơn trước vì ít ra, mình hiểu đôi chút lý do tại sao mình lại như vậy.
Để tối ưu đồ đạc, mình học cách tự hỏi lại bản thân, món đồ đó có thật sự cần thiết không? Nếu không có nó, có thứ khác thay thế được không? Ưu tiên hàng đầu là an toàn. Những món đồ ít giá trị thường cũng không quá an toàn, chỉ có thể sử dụng 1 – 2 lần và sau đó là hên xui về hệ quả. Cứ nghĩ tới hệ quả tồi tệ cũng giúp hạn chế những lần mua.
Mình tiếp tục dọn dẹp, không chỉ trong không gian vật lý, mà còn dọn dẹp những thứ “vô hình”. Những tài liệu chẳng bao giờ mở lại, những bức ảnh điện thoại tích trữ qua nhiều đời máy, hay những bookmark chi chít trên máy tính từ trước đó cả 10 năm. Tập bỏ dần cả thói quen mở cả mấy chục tab trên máy tính, để tập trung vào mỗi vấn đề cần giải quyết trong từng thời điểm. Gạt bỏ từng thứ ra cũng gây nghiện không kém lúc mua hàng vậy. Và mong là quá trình này sẽ giúp mình dọn dẹp cả mớ suy nghĩ phức tạp trong đầu.
Sau cùng, mình không thích gọi cả quá trình bản thân đang làm là theo phong cách sống tối giản hay gì đó tương tự. Với mình, những khái niệm chỉ mãi là khái niệm cho đến khi bản thân thực sự hiểu ý nghĩa của nó với cuộc sống của họ. Chỉ là, mỗi khi “bỏ đi” được một thứ làm cuộc sống của mình thêm rắc rối, tâm trí mình thật sự nhẹ nhõm, rất nhiều.
Nhận xét