SỰ QUAN SÁT (Observation)

 "You see, but you do not observe."

Trong truyện “Một vụ bê bối ở Bohemia” (A Scandal in Bohemia) (*) của nhà văn Conan Doyle, có một đoạn hội thoại rất thú vị, đó là đoạn Holmes chỉ ra cho Watson về sự khác biệt giữa nhìn (seeing) và quan sát (observing) thông qua một bài kiểm tra nhỏ. Holmes đã hỏi Watson rằng, “Anh có thường xuyên nhìn những bậc thang dẫn từ hành lang đến phòng không?”. Watson trả lời chắc nịch là “có” và còn khẳng định mình đã nhìn nó tới hàng trăm lần. Tuy nhiên, Holmes đã khiến Watson bó tay ở câu hỏi tiếp theo: “Vậy, có bao nhiêu bậc thang?” Có lẽ đến cả một người giúp việc của ngôi nhà cũng không để ý đến tiểu tiết này. Ấy thế mà Holmes biết có 17 bậc, đơn giản vì anh không chỉ nhìn, anh quan sát.

Khi chúng ta có khả năng quan sát tốt, ta không chỉ dùng mắt để nhìn mà còn sử dụng linh hoạt các giác quan để nắm bắt và phân tích những yếu tố liên quan xung quanh. Thêm cơ sở đánh giá và đưa ra quyết định một cách đúng đắn. 

Đừng chỉ nhìn, hãy quan sát

Chúng ta quan sát thấy gì và ở mức nào, phụ thuộc nhiều vào: (1) Chúng ta chú ý tới điều gì, (2) giới hạn năng lực giác quan, (3) thế giới quan của chính chúng ta

* Yếu tố (1), chúng ta chú ý tới điều gì? 

Thực tế là chúng ta có quá nhiều thứ để “chú ý” mỗi ngày. Tin nhắn, tin sốc trên mạng, email, thông báo đơn hàng giao tới, lịch họp… Và chúng ta không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì. Giải pháp để tiếp nhận tất cả đống này là gì?

- Mỗi việc đều quan sát ít đi chút, có việc tiếp nhận trong vô thức, như 1 thói quen.

- Dùng “tool” (công cụ). Mình vẫn luôn nói với bạn bè rằng, con người là một giống loài nghiện “tool”. Đôi khi, việc có trong tay nhiều công cụ khiến chúng ta nhầm tưởng, mình có thể làm nhiều việc cùng lúc. Và khái niệm “đa nhiệm” (**) cũng góp phần làm chúng ta tin rằng, mình có thể làm nhiều việc đồng thời thật. 

- Chỉ chú ý những thứ dễ tiếp nhận. Nội dung ngắn gọn dễ hiểu chẳng hạn

- Lảng tránh những điều chúng ta không muốn chú ý (một cách có chủ đích)

- Chú ý tới một điều vì chúng ta muốn làm hài lòng người khác

- Vv…

Tiêu chuẩn xã hội, nền văn hóa, niềm tin, giá trị… ảnh hưởng đến điều ta chú ý, vì luôn phải có thứ tự ưu tiên để não xử lý. Tóm lại, chúng ta chỉ tập trung chú ý vào thứ chúng ta muốn. Nghĩa là, chúng ta lựa chọn thứ gì sẽ đi vào não. (Xem tiếp yếu tố 2 sẽ lý giải điều này)

* Yếu tố (2), giới hạn năng lực giác quan

Ong, bướm và một số loài côn trùng nhìn được tia cực tím, mắt thường con người không làm được điều này. Một số loài rắn thậm chí còn nhìn được bức xạ nhiệt phát ra từ con mồi đủ để tung đòn quyết định. Nhìn chung, mắt người bị giới hạn trong phổ nhìn thấy được. Tầm nhìn của mắt còn phụ thuộc vào thị lực, vật cản… 

Hơn thế, không phải cứ mở to mắt là chúng ta sẽ nhìn hết mọi thứ trước mắt với 100% hiệu suất. Bởi, quyết định của não về việc chúng ta thấy gì cũng nhiều như quyết định của mắt. Não là hệ thống có năng lực giới hạn, để tiếp nhận lượng lớn thông tin khổng lồ, chúng ta không thể lúc nào cũng căng mắt 100%, mà cần sự ưu tiên cũng như phán đoán để phân phối hiệu suất làm việc.

VD: Quản lý A kiểm tra nội dung một văn bản của nhân viên B. Trong lần đầu tiên, quản lý A xem hết toàn bộ văn bản và phát hiện ra 3 lỗi sai và yêu cầu sửa lại. Ở lần tiếp theo, A vẫn xem hết văn bản, nhưng chủ yếu tập trung vào 3 vị trí có lỗi sai ban nãy và không để ý có vài đoạn B đã chỉnh thêm sau đó (và lại sai). Không phải mắt A đã kém đi mà vì não A giả định, không thể nào còn lỗi sai ở những vị trí khác nên để tiết kiệm năng lượng, mắt chỉ tập trung vào những vị trí nhầm lẫn ban đầu. 

Một ví dụ phổ biến khác hay thấy ở những tài xế lái xe lâu năm có khả năng quan sát tốt nhưng vẫn có vài trường hợp không tránh được “điểm mù” (blind spot) trong suy nghĩ dẫn tới tình trạng dùng phán đoán nhiều hơn là nỗ lực dùng mắt. 

* Yếu tố (3), thế giới quan của chúng ta

Ở một số quán nướng BBQ (Barbecue) kiểu phương Tây, trong thiết kế thường sử dụng nét chữ (font) có chân, khá quen mắt và thông dụng, kiểu cũ kỹ. Các chữ trang trí trên tường nhà hàng thường được vẽ bằng sơn trên nền tường gạch hoặc trang trí bằng bảng gỗ phấn đen. Với ấn phẩm in ấn, chữ thường có thêm hiệu ứng như nét cọ vẽ (brush effect), tạo cảm giác dùng sơn vẽ và thường được đặt trên các nền gạch hoặc gỗ. Tại sao các quán nướng này sử dụng chất liệu và lối thiết kế, phong cách nét chữ (font) như thế này?

Mình đã hỏi vài người là họ có để ý tới điều này không và theo họ vì sao. Một vài câu trả lời:

- Không để ý

- Không để ý vì ăn đồ nướng BBQ Hàn nhiều hơn. Nhưng đọc các dữ kiện, họ nói vài từ khóa: “Viễn tây”, “cao bồi”, “cũ”. Nhưng không lý giải được tại sao.

Nếu có nghiên cứu về thiết kế, ẩm thực hoặc làm trong ngành ăn uống, có thể nhiều người sẽ biết/ suy luận được dụng ý đằng sau đó là tạo sự liên tưởng về miền Tây hoang dã (West Old) giai đoạn 1850 – 1910, thời mà kiểu nướng BBQ thịnh hành đến nỗi có thể coi là biểu tượng văn hóa đại chúng. Dù có nhiều tranh cãi đằng sau vấn đề BBQ xuất hiện lần đầu ở đâu thì thứ văn hóa West Old phương Tây vẫn ảnh hưởng lớn đến thế giới nhờ việc truyền bá rộng rãi qua các phương tiện đại chúng, tạo cảm hứng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống. 

Rõ ràng, nhận thức (perception) tác động đến thứ chúng ta quan sát được. Hai người có thể cùng nhìn thấy một đối tượng, nhưng từng người quan sát thấy những thứ khác nhau. Bởi kinh nghiệm, vốn sống, kiến thức, văn hóa, niềm tin… khác nhau. 

Trong trường hợp của Holmes & Watson, hai người cùng nhìn nhưng từng người họ quan sát gì lại là chuyện khác. Tri giác của một thám tử tư đương nhiên sẽ khác với một bác sĩ. 

Có một thực tế ở xã hội hiện thời là xu hướng sống nhanh, sống tiện đang thống trị. Điều này khiến việc chúng ta chậm hơn người khác vài giây bỗng nhiên trở thành chuyện lớn. Vì giờ đây, mọi thứ đều có thể phản hồi ngay tức thì. Kéo theo khả năng phán đoán, giải quyết nhanh gần như là bắt buộc.

Quan sát nhanh -> tư duy nhanh -> phản xạ nhanh rất cần thiết trong tình huống cần phản ứng kịp thời trước những rủi ro, nguy hiểm trước mắt nhưng không nên lạm dụng. Bởi ở trường hợp này, chúng ta chủ yếu dùng trực giác phán xét và đưa ra quyết định, đi đường tắt nhằm tiết kiệm năng lượng cho não => khó tránh khỏi những lý luận sai lệch, nhầm lẫn. Xử lý việc nhỏ bằng trực giác, nếu có sai sót, hậu quả có thể không đáng là bao. Nhưng việc lớn cũng trông chờ vào trực giác mà không có sự cân nhắc, tư duy lý trí thì hiểm họa khôn lường.

Như đã nói ở trên, não luôn tìm cách tối ưu năng lượng. Do đó, nếu chúng ta “dễ dãi” với bản thân lâu ngày thông qua việc lười nghĩ kỹ, quan sát sâu => não cũng ưu tiên theo phương án tốn ít năng lượng nhất có thể. Hệ quả là, chúng ta ngày càng ngại nghĩ nhiều và cân nhắc kỹ vì việc này tiêu hao nhiều năng lượng, gây mệt mỏi, nản chí. 

Nhìn vào một thực tế thường thấy, đa phần con người thích và hào hứng với những thứ có sẵn công thức để làm. Không phải mất thời gian nghĩ nhiều. Các khóa học, sách vạch ra từng bước một để đạt được điều gì đó sẽ dễ tiêu hóa hơn nhiều những thứ cần suy ngẫm, tự tìm hướng giải quyết. 

Nếu bạn bán một khóa học kiểu “3 cách để trút bỏ stress và sống hạnh phúc hơn”, sẽ dễ bán hơn nhiều khóa học mang tên “Tìm hiểu bản thân & cách chúng ta sống”. “Vì cuộc sống không chờ đợi ai” mà! Không nhanh là người khác đi trước. Không nhanh là người khác giàu trước, thành công trước, sướng trước… Như trong ví dụ về việc giải quyết căng thẳng đề cập ở trên, thường thì chúng ta sẽ tìm cách để không bị căng thẳng nữa chứ hiếm khi dành thời gian quan sát lại cách mình đang sống. 

Đôi lúc, chỉ cần quan sát chính cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhất như: cách đối diện với vấn đề, những người mà chúng ta gặp, môi trường chúng ta sống, hành động chúng ta làm mỗi ngày, những vấn đề mà chúng ta vẫn trì hoãn giải quyết => lý giải được nhiều lý do tại sao chúng ta vẫn stress dù đã tìm mọi cách. Chưa tìm vấn đề không thể có giải pháp. Chưa quan sát kỹ lưỡng mà vội vàng tìm “thuốc chữa” thì vòng lặp sẽ quay lại. 

Điều này được đề cập tới không nhằm bác bỏ hay chỉ trích việc đóng gói những vấn đề được giải quyết thành công = công thức để ứng dụng cho cuộc sống, mà chỉ nhằm nhấn mạnh rằng: Khi có cơ hội, chúng ta sẽ luôn muốn tìm cách ít tốn não, ít năng lượng. Đó là một con dao hai lưỡi. 

Trong thế giới của sự cập nhật tức thì, nhiều công cụ sản sinh góp phần giúp chúng ta phân tâm, giảm sự chú ý hoặc sàng lọc nhầm những thông tin quan trọng/ không quan trọng. Nhưng đừng vội trách những công cụ này, chính chúng ta vẫn muốn phân tâm. Kể cả bạn có quăng hết điện thoại sang một bên, tắt thông báo trên điện thoại/ máy tính, chui vào một góc phòng đọc sách thì bạn cũng chỉ tập trung được một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, chúng ta lại tìm cách để phân tâm. Chúng ta chủ động phân tâm để lảng tránh những vấn đề chưa giải quyết được, khó suy nghĩ. 

Bạn vẫn nhớ câu chuyện của Holmes và Watson ở đầu bài viết chứ? Mấu chốt vấn đề không nằm ở việc bạn nên chăm chỉ đếm bậc cầu thang, mà bản chất là, đừng chỉ nhìn, hãy quan sát. Và để quan sát tốt, chúng ta cần tập trung (focus) và chú ý (attention) có chủ đích. Ba yếu tố này liên kết với nhau. Và phải được học, rèn luyện mỗi ngày. Cần nhớ rằng, sự quan sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sự tập trung có tính chu kỳ, đừng kỳ vọng bản thân luôn phải tập trung. Và, chú ý cũng là một cách để chúng ta lựa chọn điều gì đi vào trong não. Do chúng ta quyết định hết đấy 😃

Podcast Đừng chỉ nhìn hãy quan sát

 -------------------------

(*) Xem đủ đoạn hội thoại của Holmes & Watson sẽ hiểu hơn về ngữ cảnh câu chuyện.

(**) Thuật ngữ đa nhiệm xuất phát từ ngành máy tính, mô tả những cỗ máy có thể xử lý từ 2 việc trở lên cùng thời điểm. Thực tế, cơ chế hoạt động của nó không phải là chạy đồng thời các việc đó cùng lúc mà là sự chuyển đổi qua lại nhanh chóng. Ví dụ: Xử lý task A rồi tới task B, task C rồi quay lại task A. Sự đồng thời thực tế là không xảy ra. Não của chúng ta cũng hoạt động tương tự. Khi bạn đang nhắn tin thì chắc chắn bạn không thể tập trung 100% cho nấu ăn được, bạn chỉ xử lý được những đầu việc đơn giản mà không cần nghĩ để tâm trí dồn sang việc nhắn tin. Việc đảo qua lại giữa các đầu việc thường xuyên sẽ làm tâm trí chúng ta nhanh kiệt sức. Nó giống như việc, bật/ tắt một nguồn năng lượng vậy. Bật rồi tắt, dù là tạm thời, thì khi quay lại cũng mất năng lượng để khôi phục trạng thái 100%.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến