NGHĨ ĐÚNG VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH
Tháng trước, mình vô tình xem một nội dung dạng video mà mình nghĩ là rất “độc hại” trong suy nghĩ bởi nội dung ra sức lăng mạ quan điểm của một tác giả sách. Nhấn mạnh là lăng mạ chứ không phải phản biện. Với những người đọc sách, hẳn nhiều người cũng hiểu: Thông điệp truyền tải trong một cuốn sách cũng chính là góc nhìn cá nhân của tác giả viết. Mặc dù tác giả đó có thể vẫn có những lập luận, dẫn chứng sử dụng những thông tin “mang tính khách quan” thì cũng khó tránh được thiên kiến, suy nghĩ chủ quan, sắp xếp và chọn lọc thông tin theo một chiều hướng.
Với những người đọc sách hay tìm hiểu một dạng thông tin nói chung, việc đầu tiên cần làm là xác định mục đích tìm hiểu? (1) Thứ hai, xác định rõ, đó là một quan điểm, không phải sách Thánh, lời giải, bùa chú. Đọc 1 cuốn sách hay xem bất cứ một dạng thông tin nào đó, chỉ nên lấy đó làm tư liệu để tự phát triển tư duy cho mình thôi. Mặt khác, đọc/ xem một quan điểm/ học thuyết và vội vã kết luận nó đúng còn tất cả những quan điểm khác đều là rác hoặc không đáng để quan tâm sẽ hạn chế tầm nhìn của chính mình.
Đây là sai lầm điển hình trong suy nghĩ con người. Mình cũng không thoát khỏi điều này khi đọc một số dòng sách sử, sách dạng giáo khoa nền tảng hay khi đọc sách của một tác giả quá được yêu thích. Do vậy mới cần có mục (1).
Tủ sách của mình có rất nhiều cuốn sách về các học thuyết mà nếu ở hiện tại đã được “chứng minh” là tự huyễn, sai lầm, ngây thơ, phiến diện. Thậm chí, có những cuốn sách còn mang màu sắc “phân biệt c.h.ủng tộc”, hay đánh giá thấp tính xã hội đặt nặng tính cá nhân… Nhưng, từ mục đích đã xác định ban đầu, mình biết mình cần tìm gì ở trong đó. Nói thật là có những cuốn sách mình rất sợ mua vì lo sẽ bị đắm chìm trong quan điểm tác giả hoặc sợ sẽ cáu khi đọc =)) nhưng mỗi lần làm điều đó cũng là một lần thử thách mình để mở rộng thế giới quan.
Mình nhớ năm ngoái mình có xem một series phim tài liệu trên Netflix chia sẻ góc nhìn của một nhà báo về việc lật lại vấn đề: Có chắc những gì chúng ta biết về thời tiền sử chỉ dừng lại ở một xã hội giản đơn & thô sơ hay có một nền văn minh tiên tiến hơn nhiều đã từng tồn tại hàng ngàn năm trước. Điều này gần như đảo ngược hoàn toàn những kiến thức mình từng biết trước đó, nhưng cũng nhờ vậy mà suy nghĩ của mình thoáng đãng và bớt đóng khung trong kiến thức cũ hơn rất nhiều.
Tuy vậy, nói thế không có nghĩa là phủ nhận việc chọn lọc đọc. Chọn lọc để mình tập trung dành thời gian tìm hiểu sâu. Tìm sách, chọn sách cũng khó như việc thoát ra khỏi cái điện thoại của chính mình vậy, vì có nhiều thứ làm chúng ta xao nhãng. Sách mới viết hay sách được dịch qua từng thời cũng đi theo “trend” của thời đó. Ví dụ, thời xưa, tìm mấy dòng sách tâm lý ở Việt Nam hơi bị khó, vì ít người để ý, ít người quan tâm. Giờ thì dạo quanh các hiệu sách, khu vực này ngày càng phình to, kệ đặt sách best seller kiểu gì cũng dính vài cuốn dòng tâm lý. Do đó, người đọc sách lại càng phải có kiến thức để lọc ra cuốn sách mình thực sự cần. Nhớ lại mục (1) nhé ^^. Kèm theo việc đọc sơ qua mục lục + tác giả. Chắc cú thì cứ tìm hiểu trước rồi hẵng mua.
Thực ra, việc bỏ tiền ra mua vài cuốn sách đọc không quá khó với nhiều người. Nhưng nghĩ xem, tiêu hóa phải những thứ không phải kiến thức mà đi sao chép/ chém gió rồi về ghép thành sách thì thứ mình nạp được sẽ là gì. Rồi lại lậm khái niệm, cái gì cũng phải gắn cho một cái tên thật hay rồi tự huyễn có phải lãng phí thời gian quý báu không?
Tưu trung, luôn vạch rõ mục đích & đặt câu hỏi tại sao trước khi tiếp thu một kiến thức mới. Và đừng quên dành thời gian chọn lọc sách trước khi mua một cuốn sách, đừng mua chỉ vì tiêu đề hấp dẫn hay bìa đẹp nếu bạn thật sự quý trọng thời gian của mình.
Nhận xét