Làm sao để nhớ lâu kiến thức đã học?

Một trong những điều mình yêu thích nhất khi đọc sách, xem tài liệu đó là bên cạnh có một người khác. Bởi, đó là một trong những cách giúp mình nhớ lâu những thông tin mới thu nạp.

Viết là “cạnh” chứ không phải “cùng” là vì người đó cũng có thể đang đọc một cuốn sách, đọc truyện hay giải trí với một hình thức bất kỳ nhưng vẫn đủ khả năng nghe mình phân tích ^^.

Cụ thể là như thế này. Nhiều khi có những thông tin ngay khi đọc xong mình không hiểu gì cả dù đã cố gắng đọc đi đọc lại nhiều lần. Mình cũng tìm đến internet để tra cứu thông tin nhưng không phải trường hợp nào cũng được giải đáp. Và, sau khi trao đổi với người bên cạnh thì hoặc là mình tự tìm ra lời giải hoặc là họ giúp mình tự tiếp cận lại vấn đề theo hướng mới.



Mình đã dùng cách này khi ngồi với những người khác nhau và kết quả thu lại đều rất tốt.

Nếu bạn nghĩ rằng sẽ mất tập trung khi ngồi đọc cạnh một người khác thì đừng lo lắng vì sự tập trung của não không cao với những việc được lặp đi lặp lại. Do vậy, việc “tương tác” (*) với một người khác trong lúc đang đọc sách cũng là cách để mình bớt mệt và xao nhãng khi đọc sách quá lâu.

Bởi thực tế, có lúc mình đang đọc sách một mình mà lạc đi sự tập trung và tâm hồn phiêu diêu đi chỗ nào đó cho đến khi “hồi tỉnh” lại thì không hiểu mình đang đọc trong vô thức bao lâu rồi.

Bản thân vùng ký ức làm việc (working memory) cũng có năng lực hạn chế trong việc lưu trữ thông tin tạm thời nên để tăng lượng thông tin ghi nhớ thì hai cách chúng ta vẫn hay biết đến là nhẩm lại (rehearsal) và phân chia nhóm nội dung (chunking) sẽ giúp ích. Và việc mình “tương tác” với một người bạn, tường thuật lại vấn đề, và phân tích, tìm lời giải cũng đồng thời là lúc mình đang nhẩm lại (rehearsal).

Việc “tương tác” trong trường hợp này cũng giúp kích thích nhiều giác quan tham gia vào quá trình tiếp nhận thông tin => càng giúp chúng ta nhớ lâu và hiểu sâu hơn. Đây cũng là lý do mà vì sao khi đi học thì nên theo nhóm/ theo lớp, bởi đó là nơi có nhiều sự tương tác đa dạng.

Thêm một điều nữa mình thấy khá hay ho đó là thường thì sau khi phân tích, tranh luận xong, mình sẽ liên tưởng được với một câu chuyện/ một vấn đề mà mình chưa giải đáp được trước đó. Khi “link” câu chuyện vào kiến thức vừa được giải đáp thì mình lại càng nhớ lâu hơn.

Điều này không phải ngẫu nhiên. Chúng ta thường nhớ lại ý nghĩa của sự việc chính xác hơn nhiều so với những chi tiết của nó. Ý nghĩa chúng ta gán cho chúng ảnh hưởng đến chi tiết chúng ta nhớ. Và có gì nhiều ý nghĩa hơn một câu chuyện.

Đây cũng có thể coi là bước đầu của bước “học đi đôi với hành”. Tuy vậy, sau đó vẫn nên thực hành nó thật nhiều nhất có thể. Vì chỉ khi hành động, thì mới có vấn đề, và khi phải vận dụng não để giải quyết vấn đề, chúng ta mới lại nhớ lâu và hiểu sâu hơn những tầng ý nghĩa khác của kiến thức chúng ta đã thu nạp.

Thui, viết tới đây thui. Rất đã vì sau một buổi sáng đọc sách, mình gom lại được một loạt những cái đã từng đọc, nghiền ngẫm trong thời gian dài và cảm thấy thích thú vì từng ngày lại hiểu thêm chút.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến