Định kiến giới tính: Phụ nữ đẹp dễ hỏng chuyện! | Gender Stereotypes: Beautiful women are not smart!

Cách đây vài tuần, báo chí xôn xao về việc một nữ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước được nắm quyền quản lý một lĩnh vực không liên quan với con đường sự nghiệp của bà trước đây. Vì vậy mà facebook của tôi xuất hiện nhiều bài viết tranh luận xen lẫn mỉa mai về tương lai của ngành mà nữ lãnh đạo này sẽ phụ trách. Không bàn về tương lai vì tương lai chưa tới, tôi chỉ thấy khá "chua chát" khi một cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thay thế cho tên thật của vị lãnh đạo nữ này: Chị/ cô... "xinh đẹp". 

Tại sao lại nhắc tới nhan sắc trong một chủ đề hoài nghi về "năng lực"? Dù cách dùng từ này chỉ nhằm mục đích đùa cợt, thì với tôi, ẩn sâu đó là định kiến giới tính. 

Để bàn rõ hơn về vấn đề này, trước hết tôi sẽ trích dẫn một đoạn trong bài viết của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc - The Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights (OHCHR), đề cập về Sự định kiến giới, quyền con người của phụ nữ và bình đẳng giới như sau:

"A gender stereotype is a generalized view or preconception about attributes or characteristics, or the roles that are or ought to be possessed by, or performed by, women and men.A gender stereotype is harmful when it limits women’s and men’s capacity to develop their personal abilities, pursue their professional careers and/or make choices about their lives."

Tạm dịch: Định kiến giới là một quan điểm hoặc định kiến về các thuộc tính hoặc đặc điểm, hoặc các vai trò mà phụ nữ và nam giới phải sở hữu hoặc đảm nhận. Định kiến giới có hại khi nó hạn chế năng lực của phụ nữ và nam giới trong việc phát triển khả năng cá nhân, theo đuổi sự nghiệp chuyên môn và/ hoặc đưa ra lựa chọn về cuộc sống của họ.

"Whether overtly hostile (such as “women are irrational”) or seemingly benign (“women are nurturing”), harmful stereotypes perpetuate inequalities. For example, the traditional view of women as care givers means that child care responsibilities often fall exclusively on women."

Tạm dịch: Cho dù công khai thù địch (chẳng hạn như "phụ nữ là không hợp lý") hoặc có vẻ nhẹ nhàng hơn ("phụ nữ là người nuôi dưỡng"), các định kiến có hại vẫn duy trì sự bất bình đẳng. Ví dụ, quan điểm truyền thống về phụ nữ là người chăm sóc có nghĩa là trách nhiệm chăm sóc con cái thường chỉ thuộc về phụ nữ."

"Further, gender stereotypes compounded and intersecting with other stereotypes have a disproportionate negative impact on certain groups of women, such as women from minority or indigenous groups, women with disabilities, women from lower caste groups or with lower economic status, migrant women, etc. "

Tạm dịch: Hơn nữa, các định kiến giới kết hợp và giao thoa với các định kiến khác có tác động tiêu cực nhiều hơn tới một số nhóm phụ nữ, chẳng hạn như phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc bản địa, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ thuộc các nhóm đẳng cấp thấp hơn hoặc có địa vị kinh tế thấp hơn, phụ nữ nhập cư, v.v. "

Có thể thấy, trong trường hợp vị lãnh đạo nữ tôi nhắc tới ở đầu bài viết, định kiến giới (nữ là lãnh đạo) kết hợp với định kiến về ngoại hình (ưa nhìn thì thường có cơ hội tốt hơn người khác) chính là một dạng kết hợp tiêu cực mà OHCHR đề cập. 

Định kiến giới tính: Phụ nữ đẹp dễ hỏng chuyện

Định kiến về ngoại hình có mặt ở cả nam giới nhưng phụ nữ thường chịu nhiều áp lực về ngoại hình hơn so với đàn ông. Khi một cô gái có nhan sắc dễ nhìn thì dù cô gái ấy có nỗ lực phát triển trí tuệ tới mức nào thì nhiều người vẫn chỉ quan tâm đến vẻ ngoài của cô chứ không phải sự nỗ lực.

“Với phái nữ, ngoại hình ưa nhìn là tiêu chí được nhắc đến đầu tiên, tiếp theo mới tới năng lực chuyên môn và kinh nghiệm” - bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW).

Một lần đi chơi cùng một người bạn trên mạng, tôi được khen thế này: “Anh chẳng quan tâm mấy việc khác, quan trọng là em xinh ý”. Tôi không biết những người phụ nữ khác khi được khen như thế này sẽ cảm thấy gì, bản thân tôi thì thấy buồn. Buồn quá, mình cũng khá có não mà người ta chỉ để ý tới vẻ ngoài, hic!

Tôi cũng thường làm các “thí nghiệm vui” trên tài khoản mạng xã hội của mình thông qua các nội dung chia sẻ. Thường thì những bài chia sẻ về thành tựu công việc hoặc quan điểm sống nhận được khá ít lượt xem/ lượt tương tác (tôi cũng thường cố ý chọn những tấm hình không quá khoe khoang cơ thể trong những nội dung này). Trong khi các chia sẻ dạng hình, khoe sắc vóc thì rất được chú ý. Cá biệt có trường hợp, nội dung dạng chữ cũng mất rất nhiều trí não của tôi (haha) và hình cũng khá bốc lửa thì kết quả rất dễ nhận ra là chẳng mấy ai đọc chữ mà chỉ nhìn hình rồi khen. 

Quay trở lại vấn đề định kiến giới. Hằng ngày, trên mạng xã hội có hàng trăm hàng nghìn những “trò đùa” nhắm tới giới tính nữ. Chủ đề phổ biến thường là: Phụ nữ lái xe dễ gây tai nạn, phụ nữ xinh mặc hở là dễ dãi, phụ nữ giỏi quá thì chỉ có ế..vv




Đặc biệt, có một bài viết trên Vn Express tôi vô tình đọc được với tiêu đề: Áp lực nữ quyền trên vai đàn ông Việt! Với nội dung chính mà tác giả bài viết muốn nhấn mạnh là: “..thà chọn một mẫu phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, còn hơn một người suốt ngày kêu gào bình đẳng.” Và “phụ nữ muốn đòi hỏi bình đẳng cho mình, hãy học cách san sẻ những áp lực với người đàn ông trước đã.”
 

Đọc bài viết này, tôi thấy rõ cảm xúc tiêu cực của người viết nhắm tới vấn đề nữ quyền. Kế đến, các ví dụ mà tác giả dùng để lập luận về nữ quyền bị sai lệch. Có lẽ vì bản thân tác giả cũng không hiểu đúng nữ quyền là gì mà chỉ hiểu một cách thô thiển kiểu: Tôi bỏ ra một đồng mua gạo thì cô cũng phải bỏ ra một đồng, đó là bình đẳng giới!

Thực tế thì, chủ nghĩa nữ quyền gánh vác những trọng trách lớn lao hơn nhiều, nó đấu tranh cho niềm tin rằng phụ nữ có quyền bình đẳng, quyền lợi và cơ hội như nam giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân. 

Bởi vì sao? Vì trong xã hội này, là phụ nữ gặp rất nhiều trở ngại: Bị khuyến khích ở nhà chăm sóc gia đình thay vì ra ngoài làm việc, bị trả lương thấp hơn trong cùng một vị trí công việc với đàn ông, không được tạo điều kiện học lên cao, không được quyền bầu cử, yếu thế trong các vấn đề về pháp lý…. Kể tới đây, liệu chúng ta đã thấy đủ để phụ nữ đấu tranh cho quyền bình đẳng giới chưa?

Chủ nghĩa nữ quyền vốn không được truyền tải, giảng dạy sâu rộng và không có được một chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội để phổ cập kiến thức và hạn chế thông tin không chính xác. Huống chi với một thế giới đầy rẫy fake news (tin giả) như hiện nay, "nữ quyền" hay "bình đẳng giới" càng dễ bị hiểu sai lệch, bị biến tướng, bị bôi nhọ, khiến nhiều người chưa được tiếp xúc với những thông tin chính thống thì đã bị ngồn ngộn những tin tức giả làm nhận thức lệch lạc. Và quay ra ghét "nữ quyền"!

Trong hàng trăm năm qua, phụ nữ vẫn luôn đấu tranh để giành lấy sự bình đẳng cho bản thân. Phong trào nữ quyền ở Việt Nam cũng cực kỳ sôi nổi trong 100 năm trở lại đây, cùng thời điểm với nhiều phong trào nữ quyền khác trên khắp thế giới. Nhưng cũng như TS Khuất Thu Hồng có nói thì đại ý là: Nếu để tóm tắt về phong trào nữ quyền một thế kỷ qua thì đó là "Tiến một bước, lùi hai bước". 

Tuy vậy, chúng ta cũng không nên buồn vì điều này, bởi lẽ trước năm 2016, khi Hillary Clinton thất bại Donald Trump trong cuộc tranh cử Tổng thống lần thứ 58, phong trào nữ quyền ở Mỹ cũng ì ạch một thời gian dài. Và việc người phụ nữ đầu tiên đến sát nhất với cương vị Tổng thống Hoa Kỳ thua cuộc là cột mốc quan trọng cho phong trào này khởi sắc lại tại Mỹ, và chắc chắn là có ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào nữ quyền trên thế giới.

“Nữ quyền” hay “bình đẳng giới” là những vấn đề rất lớn mà phạm vi bài viết này không thể phân tích được hết nhưng tôi vẫn mạn phép đưa một số thông tin cơ bản về chủ nghĩa nữ quyền ở trên để nếu có bạn nào trước khi đọc bài viết này vẫn chưa biết tới khái niệm về nó thì có thể tham khảo và có cái nhìn tôn trọng hơn về phong trào này. 

Để kết thúc bài viết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc chỉ tập trung vào ngoại hình của một phụ nữ mà bỏ qua những khía cạnh khác về con người cô ấy thể hiện sự thiếu tôn trọng giới nữ. Đó cũng là hành động tiếp sức cho những “định kiến giới” lan rộng và dập tắt quyền bình đẳng của phái nữ. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến