ARE YOU HAPPY?
Hôm nọ, một người em dưới Đồng Nai lên nhà tôi chơi. Em đã nghỉ việc nửa năm nhưng chưa đi làm tiếp mà ở dưới quê phụ gia đình kiếm tiền tiêu vặt. Sau bữa trưa, em chia sẻ về việc muốn làm part-time (theo ý của bạn là các công việc freelance, không chịu sự kiểm soát bởi bất cứ công ty nào) thay vì đi làm full-time vì thấy hợp hơn. Tôi hiểu phần nào nguyên nhân dẫn tới suy nghĩ này của em.
26 tuổi. Dành hơn 3 năm
cho một công ty “toxic”. Em bị hút cạn sức lực và tâm trí bởi năng lượng tiêu cực
của tất cả con người ở môi trường đấy. Quan trọng hơn, đó lại là công ty đầu
tiên em đi thực tập và làm việc. Em mất hơn hai năm để đấu tranh với nỗi sợ nghỉ
việc không có ĐỦ tiền ăn tiêu cho tới khi không thể chịu đựng được cảm giác trống
rỗng và phải đấu tranh tư tưởng mỗi sáng đi làm.
Tôi thấy tiếc cho em, và
cũng thương em. Bởi, tôi từng làm việc tại đó một thời gian đủ để hiểu, tại sao
từ một cô bé 22-23 tuổi tràn trề ước mơ và xinh đẹp, sau 3 năm lại không còn
chút mục đích gì để theo đuổi và sợ sệt với tương lai đến như vậy. Nhưng tôi
cũng không thể đứng nhìn em tự gạt bỏ những điều mới mẻ chưa khám phá ngoài kia
chỉ vì nỗi ám ảnh chưa thể vượt qua ở công ty đầu tiên.
Bởi vậy, khi nghe em nói
lại chuyện đó, tôi nhấn mạnh với em điều mà tôi đã chia sẻ rất nhiều lần trước
đó trong những buổi café, đó là, công ty kia chỉ là nơi đầu tiên em làm việc và
còn rất nhiều môi trường khác thật sự đáng để trải nghiệm. Nếu em lựa chọn việc
lẩn tránh, những điều em chưa kịp khám phá ở bản thân sẽ dừng lại tại đó. Em
cũng sẽ khó lòng tăng được “level” chuyên môn với những công việc freelance đơn
giản bởi năng lực hiện tại hạn chế nên để kiếm được một dự án lớn là rất khó
khăn.
Khi em nói bản thân chỉ cần
đủ ăn đủ sống, tôi kể cho em một câu chuyện mà tôi được chia sẻ lại từ một người
bạn của mình như này:
Trong một lần anh bạn tôi xuống một tỉnh miền Tây thăm người anh em nhiều năm không gặp nay đã lập gia đình. Khi ngồi uống trà với vợ chồng người bạn, cô vợ bạn anh quả quyết rằng, trong 5 năm tới hai người sẽ quyết tâm có 10 tỷ. Bạn tôi hỏi ngược lại: Có 10 tỷ để làm gì? Và tại sao lại là 10 tỷ chứ không phải 2 tỷ hay 3,4 tỷ? Cô gái ngập ngùng rồi nói: “Thì em nghĩ bằng đó là ĐỦ để mua nhà, mua xe, cho con có cuộc sống tốt hơn”. Anh hỏi tiếp: “Em có nghĩ là khi em có được bằng đó tiền thì em sẽ hạnh phúc hơn không?”. “Anh không hiểu đâu, tuổi thơ em rất nghèo, em cần tiền để không còn khổ sở nữa”
Không phải tự dưng mà bạn
tôi lại đặt câu hỏi đó. Chính sự mông lung và chơi vơi thể hiện trên khuôn mặt
cô gái đã khiến anh bạn tôi lo lắng rằng, cô đang không biết mình thực sự muốn
gì. Có lẽ đó cũng chính là khuôn mặt của em tôi khi nói tới chữ ĐỦ của mình.
Xe bốn bánh, nhà nhiều tầng,
két tiền tỷ vốn là tiêu chuẩn thành công của người trưởng
thành ở xã hội này. Nó làm tôi nhớ tới một cuốn sách mới đọc gần đây có nhắc tới
nghiên cứu (*) của nhà tâm lý học James Marcia về căn tính (identity) – một
trong những vấn đề cần giải quyết để đánh dấu sự trưởng thành thực sự của một
con người về mặt cảm xúc chứ không chỉ ở bề nổi vật chất. Ông đưa ra bốn trạng
thái căn tính - four Identity Statuses of psychological identity development mà
người trẻ nói riêng và mỗi cá nhân nói chung có thể rơi vào. Trong đó, trạng thái
thứ 4 có thể được coi là đỉnh cao nhất của hành trình định hình bản ngã và được
đặt một cái tên rất thú vị: Thành đạt về căn tính – Identity achieved.
Thành đạt là
từ thường dùng để chỉ sự tích lũy hay địa vị xã hội. Nếu nói một người đàn ông/
phụ nữ đã thành đạt hay trưởng thành thông qua tài sản hay địa vị của họ thì gần
như ai cũng công nhận, nhưng nói thành đạt về mặt cảm xúc thì chắc nhiều người
tưởng đùa!
Phải thành đạt (về mặt vật chất) là thứ đã bám theo tôi nhiều năm nên tôi hiểu điều đó lắm. Tôi hiểu cảm giác hẫng hụt ở tuổi 28 sau đằng đẵng bao nhiêu năm làm việc, kiếm tiền, chứng tỏ bản thân vì những điều chưa bao giờ là thứ mình muốn. 28 tuổi mới bắt đầu để tâm tới cái gọi là: Mục đích sống của mình thật sự là gì? Mình đã bao giờ thực sự cảm giác hạnh phúc với những cái mình đang làm không?.
Tôi cũng đặt câu hỏi đó cho người em của mình trước khi kết thúc câu chuyện. Tôi muốn cô bé thật sự bình tĩnh, nhìn lại sâu bên trong con người mình để đưa ra quyết định thật sự là vì bản thân. Tôi mong em sẽ sớm nhìn thấy thứ em đang kiếm tìm. Tôi mong em sẽ tự tin để trải nghiệm cuộc sống. Chỉ có điều đó mới giúp em tìm ra ước muốn và niềm yêu thích của chính mình. Tôi mong một ngày, khi em tới gặp tôi, em sẽ nói ”Em hạnh phúc”.
-------
Chú thích: (*) Nghiên cứu
này được tiếp nối từ nghiên cứu của Erik Erikson – cha đẻ lĩnh vực tâm lý học
phát triển
Nhận xét