VĂN HÓA NGHỈ VIỆC
Lại là về chủ đề văn hóa nghỉ việc
Lại là về chủ đề title và tiền lương
Những chủ đề mà mình gặp mãi gặp suốt với những người trẻ mới đi làm một vài năm.
Nhân vài chuyện xảy ra gần đây liên quan đến việc ứng xử của nhân sự mình đang tham gia quản lý tại một đơn vị, lòng lại bồi hồi nhớ lại câu chuyện tầm một năm trước, khi mà mình phỏng vấn ứng viên với vị trí junior Copy, background là giáo viên nhưng từng học Báo chí và viết vài bài cho báo điện tử. Với kinh nghiệm bằng 0 ở thế giới agency, bạn ấy sử dụng sự quyết tâm theo đuổi nghề mới để thuyết phục mình tuyển dụng và nói rằng em chấp nhận mức lương junior để được học hỏi. Ba ngày sau khi đi làm, bạn đó buông nhẹ một câu vào trong tin nhắn xin nghỉ việc.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, trong buổi nói chuyện ngắn về lý do xin nghỉ nhanh chóng của bạn đó, mình mới biết, bạn ấy muốn nghỉ việc là vì một trung tâm giáo dục offer bạn ấy mức lương cao nên bạn ấy quyết định nghỉ việc. Wow, hẳn là những quyết tâm bạn ấy nói với mình hôm phỏng vấn chỉ là vì để cho lọt tạm vào cái công ty này "back-up", vì công ty kia chưa gửi offer. Còn câu chuyện "quyết tâm bỏ lại công việc liên quan tới giáo dục dù đang có mức lương tốt để bắt đầu lại từ đầu" chỉ là vẽ vời ra.
Shock hơn nữa là sau khi mình và bạn Nhân sự trao đổi với bạn ấy về cách hành xử và nói chuyện của bạn ấy về việc xin nghỉ. Bạn ấy, với gần 4-5 năm làm việc trong môi trường sư phạm, đã buông những câu nói bất lịch sự và vô giáo dục đến nỗi mình chỉ nói thêm một câu nữa và bước ra khỏi phòng họp luôn vì cảm thấy sự thiếu tôn trọng của người này với người đối diện họ.
Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện mà mình gặp phải khi xử lý vấn đề nhân sự, nhưng chắc nó làm mình khá ấn tượng, có lẽ vì cô giáo trẻ diễn sâu quá. Làm mình cũng rất hào hứng và truyền hết nhiệt huyết ngay trong buổi phỏng vấn cũng như trong những buổi đầu bạn đi làm để mong đào tạo được một nhân sự tốt.
Giờ nghĩ lại, trong vài năm may mắn được có cơ hội tuyển dụng và quản lý nhân sự, chủ yếu là nhân sự trẻ, mình thấy có 02 thời điểm mà các bạn thường mắc phải sai lầm hoặc hành xử chưa chuyên nghiệp:
1. Thời điểm xin tăng lương (trong nhiều TH liên quan tới title)
2. Thời điểm xin nghỉ việc
Đi làm ai chẳng muốn được tăng lương. Nhưng nên có lý do chính đáng và đủ thuyết phục. Khi bạn có lý lẽ đủ và đúng, bạn thậm chí còn được tăng hơn mức bản thân xin. Đừng xin tăng lương vì những lý do mơ hồ: Vì công ty viết trong JD sẽ tăng lương sau 6 tháng/ 1 năm (rất tiếc là chẳng công ty nào nói như vậy. Họ chỉ nói là xét duyệt việc tăng lương), hay là vì em thấy em đang phải làm nhiều quá (lại một lý do chung chung nữa, làm nhiều vì không sắp xếp nổi công việc và làm nhiều vì công ty giao quá JD nó khác nhau. Và cũng không có công ty nào tuyển nhân viên vào làm chỉ để làm 1 việc duy nhất. Cái họ cần ở một nhân sự là kỹ năng giải quyết vấn đề, điều phối công việc).
Đương nhiên, cũng không ít trường hợp cấp trên giao quá JD, trong TH này, nhân sự nên tìm cách nói chuyện để clear về quyền hạn, công việc. Cảm thấy ok thì làm tiếp hoặc muốn có một thỏa thuận cụ thể thì nói chuyện trước. Không nên cứ thấy thêm việc là đòi tăng lương #%@#
Bản thân mình từng có thời điểm làm ở một công ty 2 năm tăng 2 lần với mức % rất cao, trong khi số lượng nhân sự ở công ty đó không phải ít. Nhưng cần đúng thời điểm và đúng giá trị.
Và nghỉ việc, ôi, văn hóa nghỉ việc thì chẳng phải người trẻ, người đi làm vài năm cũng mắc phải. Trong quá trình mình đi làm, cũng phải thật thà mà nói, có một lần duy nhất nghỉ việc, mình cảm thấy bản thân về lý thì đúng nhưng về tình là không chấp nhận được. Nhưng, đó là lần duy nhất và cũng là bài học để mình nhắc nhở bản thân nhiều hơn sau này. Còn tất cả các lần nghỉ việc khác, có thể nói là bản thân không để lại điều gì đáng trách khi xin nghỉ. Thậm chí có nơi còn tặng hoa cho mình khi nghỉ việc dù mình chỉ làm ở đó hơn 02 năm chứ cũng không phải người làm lâu năm gì.
Nghỉ việc thì có ti tỉ lý do để nghỉ, nhưng cách nghỉ việc và hành xử những ngày cuối trước khi nghỉ việc thì nên chuyên nghiệp lên các bạn ạ. Có những bạn đi làm tháng cuối khi nghỉ việc, người ngợm ẻo uột vì không còn tâm trạng làm. Cái này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng khi có thái độ như vậy, bạn nên nghĩ lại rằng công ty vẫn đang trả đủ tiền lương cho những ngày làm việc cuối cùng của bạn. Nếu bạn nghĩ là, vậy cho tôi nghỉ luôn đi, tôi không còn muốn làm nữa. Thì bạn cần nhìn lại hợp đồng lao động và những tổn thất bạn có thể để lại cho công ty khi nghỉ đột ngột mà chưa có nhân sự khác thay thế vào. Cũng đừng lấy việc "dọa nghỉ việc" để mong đạt được một thỏa thuận có lợi cho mình. Bạn sẽ không được đánh giá cao đâu, và nó cũng rất trẻ con nữa.
Trên tất cả, khi đi làm, thái độ và trách nhiệm của bạn sẽ là thứ được chủ doanh nghiệp hoặc sếp bạn đánh giá cao. Và nó cũng là cái để người khác nhìn nhận về con người bạn. Đừng vì một vài lợi ích nho nhỏ trước mắt mà làm phá hủy những giá trị lâu dài của bản thân!
Bài viết từ góc nhìn của 1 người cũng nhiều năm làm thuê tiếp xúc và làm việc với kha khá chủ doanh nghiệp nên các bạn đừng nghĩ mình bênh vực một bên nào nhé!
Nhận xét