Bá Vương Biệt Cơ (1993) - Tôi thương cô Cúc!
Tôi xem Bá Vương Biệt Cơ (1993) lần đầu là vào năm 2018, khá trễ so với sự nổi tiếng của tác phẩm kinh điển này. Khi ấy, tôi xem phim vì ảnh hưởng rất nhiều từ niềm đam mê điện ảnh Hồng Kong của một người trên mức là bạn. Những thước phim màu sắc, những lối diễn đậm chất nghệ thuật của Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc.. hay đôi mắt rất "đời" của Củng Lợi cuốn tôi vào hết bộ phim này đến bộ phim khác.
Có lẽ dư âm 20 năm ngày mất Trương Quốc Vinh đã cho tôi cái cớ để xem lại Bá Vương Biệt Cơ, để cảm thán thêm chút niềm thương với "cô Cúc" - Cúc Tiên (trong bản phim tiếng Việt là Diệu Linh).
Cô Cúc chẳng có một xuất thân đẹp đẽ, một gái lầu xanh chính hiệu nổi tiếng với tài xử trí đối đáp thông minh. Chẳng ai biết cô từ đâu, chẳng ai quan tâm cô như nào, người ta chỉ để mắt tới cô cho đến khi Đoàn Tiểu Lâu rước cô về làm vợ.
Đúng là Cúc Tiên đã sử dụng chút "mưu mẹo" để được Đoàn Tiểu Lâu chọn là "phu nhân" một cách danh chính môn thuận, với đám cưới đàng hoàng như một người phụ nữ bình thường. Nhưng, giống như bà chủ lầu xanh nơi cô từng làm đã nói: "Cứ tha hồ mà đi theo ảo giác đó.. để tôi nói cho cô nghe, đã làm gái thì luôn luôn sẽ là gái..", Cúc Tiên, dù đã tìm cách rũ bỏ cuộc đời của một gái điếm và sống là một người phụ nữ yêu chồng hết mực thì xã hội vẫn không bao giờ chấp nhận cô. Chẳng phải người chồng mà cô vô cùng ngưỡng mộ bao năm cũng đã phủi sạch danh phận, ghê tởm cuộc đời cũ của cô chỉ để giữ cái mạng của anh ta hay sao?
Tôi thương Cúc Tiên. Càng thêm vài tuổi, tôi nghĩ mình sẽ càng thương cô hơn. Bởi phải trải nghiệm thêm cuộc đời thì tôi mới "cảm"được thêm phần nào nỗi niềm của người phụ nữ này.
Tôi nhớ những phân cảnh Trình Điệp Y vật lộn với cai nghiện, yếu đuối và thoi thóp như một đứa trẻ nhỏ mưu cầu hơi ấm mẹ. Cúc Tiên, khi ấy, vừa sợ hãi, vừa e ngại nhưng khi nghe tiếng "mẹ ơi" lại mềm nhũn thân mình. Cô vội vàng ôm lấy "đứa con" bé bỏng và dành trọn hơi ấm để chở che cho "con". Phải chăng việc mất đứa con khiến Cúc Tiên luôn đau đáu nỗi niềm hay quá khứ cô cũng bị bỏ rơi bởi chính người mẹ ruột của mình. Để đến giờ, cô xúc động với tiếng gọi từ Trình Điệp Y.
Một điều có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ quên, đó là ánh mắt của Cúc Tiên.
Ánh mắt của cô gái lầu xanh lóe lên niềm hy vọng đổi đời khi được một trang nam nhi đại trượng phu như Đoàn Tiểu Lâu hết lời ngưỡng mộ, theo đuổi và ngỏ ý "trăm năm".
Ánh mắt của bà bầu yếu ớt đang lên cơn động thai, khi cận kề với cái chết vẫn hết lời khuyên nhủ chồng chạy theo cứu bạn dù trong lòng đã như rỉ máu.
Ánh mắt của người mẹ dạt dào tình thương với "đứa con hờ" Tiểu Đậu Tử khi "đứa trẻ" run rẩy đưa bàn tay lạnh ngắt và đôi mắt đục ngầu ra cầu cứu
Ánh mắt của người đàn bà đang chết ở trong tim khi bị chính người chồng đầu ấp tay gối chửi rủa, khinh bỉ giữa hàng trăm người chỉ để y được thoát tội chết.
Ánh mắt đó, tuyệt vọng và ê chề giữa một xã hội nửa phong kiến nửa chủ nghĩa lúc bấy giờ. Ánh mắt đó là thứ đọng lại sâu nhất trong tôi khi xem xong bộ phim.
Cũng phải hết lời ngợi khen Củng Lợi vì cách cô thể hiện tiếng lòng qua đôi mắt, mạch lạc và gần gũi. Không cần gào thét, không cần tru tréo, chỉ bằng đôi mắt của mình, Củng Lợi đã thể hiện đủ mọi trạng thái của cô Cúc trong cuộc đời truân chuyên này.
Để kết thúc bài viết chẳng ngắn chẳng dài này, tôi sẽ tìm một bức hình Cúc Tiên rạng rỡ nhất để làm kết bài. Bởi, tôi luôn mong được nhìn ngắm những người phụ nữ hạnh phúc, thật sự.
Nhận xét