"Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận" - Câu quảng cáo "hay ho" hay trò bán hàng bán lương tâm?
Cả tháng nay, facebook tôi tràn ngập hình chế câu nói "Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận" lan truyền khắp các quảng cáo Youtube của đủ loại đối tượng thập cẩm.
Từ ức chế, mọi người cảm thấy vui vẻ với câu quảng cáo đó, và dần nó trở thành "trò đùa" trong một bộ phận những người trẻ, nhiều nhất là gen Z và Y.
Nhưng đối với thế hệ bố mẹ chúng ta, thì nó vẫn là một câu quảng cáo uy tín, và hàng ngày, vẫn có cả hàng nghìn, hàng triệu đơn hàng được bán đi khắp Việt Nam cho những người lớn tuổi có ít tiền dành dụm nhưng nhiều bệnh tật, tin tưởng vào những câu quảng cáo chắc nịch như vậy.
Dù tôi là một người làm trong ngành truyền thông - quảng cáo, nhưng bài viết này tôi chẳng có ý định phân tích câu quảng cáo đó. Điều tôi chỉ muốn nhắc đến ngày hôm nay là lương tâm của người bán những sản phẩm về thuốc.
Tôi từng được một người anh giới thiệu làm Marketing cho 1dòng sản phẩm mỹ phẩm của một công ty kinh doanh nhiều thứ, bao gồm cả thuốc đông y.
May mắn vị trí của tôi cần làm việc trực tiếp với anh giám đốc nên sau 2 ngày đi làm và nghe anh giám đốc chia sẻ, tôi đủ biết những thông tin để quyết định xin nghỉ việc.
Nhiệm vụ của tôi là truyền thông ra mắt loại mỹ phẩm mới này, và để có tiền truyền thông tất nhiên là phải lấy tiền lời từ bán thuốc đông y để làm, thứ đang mang lại doanh thu cùng lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp.
Chỉ 2 ngày, tôi được mở mang về chiến lược dài hạn đầy tính toán của người chủ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với "đúng người" để có những thứ đủ để làm "huy chương uy tín" cho sản phẩm. Có những màn deal phải chốt tính theo năm, có khi là chục năm. Nhưng người trong cuộc hiểu công sức họ bỏ ra ngần đó là hoàn toàn xứng đáng với những gì thu được. Tôi được mở mang đầu óc về quy trình & kịch bản chốt sale của đội ngũ telesales bán thuốc gần chục người (đã nghỉ trước đó độ chục người), thú vị là chỉ có 1 người trong số đó có kiến thức dược. Tôi được "mở mang" đầu óc từ quy trình thu mua, đóng gói, lên bao bì, các chứng chỉ và đến bước thành phẩm. Tôi được mở mang về lợi nhuận khổng lồ từ việc bán những sản phẩm này, và, tôi xin dừng lại vì tôi không làm được.
Tôi cảm thấy trái lương tâm. Nhất là khi mà trước đây mẹ tôi, khi còn sống với bệnh ung thư, cũng từng bị một số người xấu lợi dụng sự sợ hãi để dụ dỗ mua những thứ thuốc trên trời chữa bách bệnh.
Tôi ghê tởm việc kinh doanh dựa trên sự đánh vào nỗi sợ hãi của người khác bằng những lời dối trá, nhất là nỗi sợ chết. Nhưng, đúng là khi nhiều tiền, người ta có thể làm được rất nhiều thứ. Chẳng phải các cơ sở làm đẹp và các nơi bán thuốc thật sự nhiều tiền để rải nó đi khắp nơi "tuyên truyền" đúng không? Mà tiền ở đâu mà họ có lắm để đi quảng cáo thế? Xin thưa, đó là tiền đi bán lương tâm!
Nhận xét