Gửi đến người con luôn cảm thấy có lỗi

Mẹ yêu quý!
Lâu lắm rồi con không viết nhật ký, không phải vì con không có chuyện phải suy nghĩ  mà thực ra........có rất nhiều chuyện mẹ ạ. Có lúc con cũng nản chí , mệt mỏi, muốn buông xuôi, muốn tìm một cuộc sống bình lặng hơn, không cạnh tranh để đủ sống thôi nhưng con người trong con lại đấu tranh lại mẹ ạ. Con người đó bảo với con rằng "con phải thay đổi., không được phung phí chính bản thân mình và nhất là phaỉ vì đồng tiền mà mỗi tháng bố mẹ gửi lên". Mỗi lần vượt qua được con người nhút nhát trong chính bản thân mình con cảm thấy to tát, cảm thấy tự hào lắm.
Nhưng hôm nay.........
Một ngày như  bao ngày bình thường, một buổi chiều chủ nhật êm ả và con nằm trong chăn ngủ suy nghĩ một đống thứ, một đống câu chuyện nhỏ nhặt linh tinh trong đầu mình. Chỉ đến khi bố gọi điện cho con ,con mới lại bừng tỉnh mình. Con của những ngày lười nhác, phung phí thời gian vào những chuyện không đâu, của những ngày lười biếng bài vở , tự cảm thấy hổ thẹn vô cùng với mẹ của con. Với câu chuyện mà bố kể qua điện thoại. Câu chuyện về căn bệnh của mẹ..........
...................
Con vẫn còn nhớ cái ngày mà tin mẹ của con phải chuyển lên tuyến trên khám lại bệnh vì nghi ngờ ung thư vú. Lúc đó con đã cầu mong cho sự chuẩn đoán ở bệnh viện đó là sai lầm và lên tuyến trên họ sẽ chuẩn đoán lại bệnh. Rằng mẹ của con không bị bệnh đó, rằng đó là sự sai sót trong chuyên môn nhưng con vẫn khóc vì 80% là đã chính xác rồi.
Con đã nghe nhiều người bị ung thư vú. Nhìn những người phụ nữ quấn cái khăn trên đầu che cái đầu trọc lóc tóc vì tác dụng của hóa chất. Nhìn họ giống như đã trong giai đoạn cuối và chỉ chờ ngày ra đi. Nhưng con chưa bao giờ nghĩ  những chuyện tương tự như thế lại có thể xảy ra ở nhà mình, chưa bao giờ .........
Thế mà nó lại đến với mẹ của con. Một người phụ nữ cả đời chưa bao giờ phải nằm viện vì bất cứ bệnh gì, chỉ thi thoảng trái nắng trở trời thì chỉ vài viên thuốc cảm đã giúp mẹ khỏe khoắn lại. Một người phụ nữ mà có  năm mươi chín năm sống trên cuộc đời thì đã có hai mươi tám năm tần tảo thay người mẹ đã mất sớm nuôi đàn em từ khi còn nhỏ xíu cho đến khi dựng vợ gả chồng
Đến khi bước về nhà chồng cuộc đời hai mươi mốt năm nay cũng vất vả không kém. Vì lấy chồng muộn rồi đẻ muộn mà cũng chưa một lần thấy mẹ ca thán, hay kêu mệt mỏi gì với ai. Con thật ngây thơ khi tin rằng mẹ vẫn rất khỏe mạnh. Và con còn ngốc nghếch tự hào về điều đó nữa. ................
Ai cũng có một giới hạn, và đến một lúc nào đó khi giới hạn đó vượt qua khả năng mà mỗi con người có thể chịu đựng  được thì nó đã phát bùng lên. Bắt đầu từ một đợt cảm vô cùng bình thường nhưng không được chữa trị tận gốc của mẹ, thêm việc tuổi đã cao, mẹ vẫn cố đi chợ rồi gặp mưa. Chính đợt ốm lại đó đã quật ngã người mẹ "khỏe mạnh" của con không còn sức lực để đứng dậy. Nhìn mẹ tiều tụy trong căn buồng nhỏ mà con thấy đau. Bao nhiêu bài thuốc tây, thuốc ta, điều trị dân gian rồi đến lúc chính thức đi khám trên TW ,căn bệnh u máu ở Gan là chứng bệnh đầu tiên phát hiện ra trong người mẹ.
Lúc đấy hết họ hàng, người thân ai cũng hoảng hốt."Bà Lịch khỏe mạnh thế chưa bao giờ nghỉ chợ quá 2 ngày mà giờ đã gần một tháng không đi chợ" . điều đó thật quá đỗi bất ngờ với những người phụ nữ bán cùng mẹ trông khu chợ nhỏ và kể cả những người hàng xóm kề bên thân thiết. Nhưng khi đó tạ ơn trời đó chỉ là bệnh lành tính, u máu trong gan có thể không hết được luôn nhưng nếu kết hợp với các loại cây thuốc mát vẫn có thể nhỏ đi được. Mặc dù căn bệnh tuy không ảnh hưởng cao đến tính mạng của mẹ nhưng kể từ đó trở đi mẹ yếu và già  hơn đi rất nhiều. Con cảm thấy như mẹ đã mất đi 50% sức khỏe rồi. Chưa bao giờ con thấy mẹ yếu và mệt như vậy. Nhưng con cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì không ai cướp đi được mẹ của con, căn bệnh đó không thể làm hại được gì đến mẹ bây giờ.

Những ngày đầu sắp ca mổ định mệnh

 Lần thứ hai con đau là lần thứ hai một tin xấu đến với gia đình mình đó là phát hiện ra căn bệnh thứ hai của mẹ - UNG THƯ VÚ.
Con đã có nhiều ngày khóc lóc vô nghĩa, buồn bã tuyệt vọng khi biết mẹ mang căn bệnh đó và nó lại còn là ÁC TÍNH  nữa. Đến lúc này cái không khí u ám bao trùm cả gia đình mình. Con còn nhớ lúc đó con và chị Hà đã không giữ  nổi bình tĩnh mà chỉ biết khóc, con cảm thấy chính bản thân như rơi vào hố sâu, con gọi điện cho bất kì một ai mà cũng không thể nói thành tiếng mà chỉ ú ớ hụt hơi một cách vô nghĩa. đó là lần duy nhất trong đời con thật sự thấy đời đen tối đến như thế.
Quãng thời gian mẹ phát hiện ra bệnh cho đến khi mẹ đi mổ là thời gian con thấy mẹ đấu tranh mạnh mẽ lần thứ hai trong đời mẹ. Như bất kể một người nào đó, khi nghe tin sẽ phải mổ để lấy u ra khỏi vú mẹ vô cùng sợ hãi. Lần đầu lên Hà Nội khám mẹ vào khu phòng khám bác sĩ  tư. Vì đồng tiền, họ đã giục mẹ mổ ngay chiều hôm đấy với lý do” Nếu để lâu sẽ càng nguy hiểm”. Có thể nói  lúc đó mẹ sợ hãi đến mức nào. Đi khám mà họ bắt mổ luôn như vậy thì bệnh của mình phải tồi tệ đến mức nào rồi cơ chứ. Sau lời khuyên của tất cả mọi người trong đại gia đình mẹ đã quyết định sẽ lên bệnh viện K đến khám lại.
Nhưng từ khi mẹ về nhà chờ ngày lên Hà nội khám lại con biết mẹ đã đấu tranh . Lợi dụng sự sợ hãi của mẹ nhiều người đã rủ rê mẹ mua thuốc này, dùng thuốc kia để chữa bệnh  với việc đảm bảo  sẽ không bao giờ phải đi mổ,mặc lời khuyên can của chị Hiền, mẹ vẫn định bỏ ra vài triệu đồng để mua thứ thuốc “ thần kỳ” kia. Nếu không có bố lúc đó đến kịp thời có lẽ mẹ đã mua và uống thứ thuốc đó.
Không hiểu sao khi nghe lại lời kể đó của chị Hiền . con cảm thấy vô cùng thương mẹ. Con còn nghe chị kể mẹ khóc rất nhiều và còn có ý định sẽ không đi mổ, có lẽ đó là quãng thời gian mẹ cảm thấy mệt mỏi nhất phải không mẹ? Mẹ của con đã phải đấu tranh rất nhiều với lỗi sợ hãi của bản thân. Mẹ của con khi mà dù đang ốm nặng nhưng vẫn cảm thấy ngại vì đã làm phiền mọi người. Có lẽ  mẹ chỉ quen chăm sóc cho mọi người thôi…………..
Rồi đến khi đến đưa mẹ khám bệnh chờ ngày mổ con mới thấy hết được cái không khí nặng nề của bệnh viện. Bước vào căn phòng sặc mùi thuốc của viện K ,qua khu truyền hóa chất cho bệnh nhân khoa Ngoại vú con  không chỉ gặp một , hai người đầu trọc lóc như hồi ở nhà mà thấy rất nhiều người như thế, hầu hết tất cả đều có một đặc điểm chung : Đầu trọc lóc, quấn khăn, hầu như đều trông quê mùa, mặt mày đen đúa, khuôn mặt lúc nào cũng thiểu não.
Qua được căn phòng đấy và đến khu phòng dành cho bệnh nhân sắp mổ và bệnh nhân nghỉ ngơi sau khi mổ  con vẫn thấy sự xuất hiện của họ nhưng là  ở dưới gầm giường bệnh nhân, ngay bên cạnh hay cuối giường, họ tận dụng hết khoảng trống có thể để ngủ nhờ chờ những đợt truyền hóa chất nhiều ngày trên viện mà không có chỗ ngủ.
Hầu hết họ đều "cố" nói chuyện vui vẻ. để quên đi căn bệnh nhưng vẫn trừ vài người lủi thủi nơi góc tường trông dáng điệu mệt mỏi để phát ngán. HỌ có tâm trạng hiện ra trước mắt mọi người  trái ngược với những bệnh nhân chưa mổ như mẹ, đó là họ đã qua cái thời kì tuyệt vọng kinh khủng nhất của một con người để cố gắng bước tiếp, đấu tranh với căn bệnh đang mắc phải. Còn mẹ.......mẹ bây giờ mới bắt đầu.
Hôm mẹ mổ có rất nhiều người họ hàng nhà mình túc trực bên giường mổ, may mắn ca mổ hôm đấy không gặp bất kỳ sơ suất gì mà chỉ là mẹ ra khỏi phòng mổ lâu hơn những người cùng mổ gần một tiếng. Lý do ra muộn cũng chỉ do mẹ quá yếu, mãi mới có thể tỉnh dậy được. Nhưng mẹ cuối cùng đã vượt qua được cuộc chiến đầu tiên
Mẹ rạng rỡ để con chụp ảnh

Mừng vì mẹ đã qua được ca mổ nhưng không chỉ con mà cả nhà đều lo lắng cho đợt điều trị hóa chất, đấy có lẽ sẽ là quãng thời gian mà mẹ phải đấu tranh mệt nhất và tốn nhiều sức lực nhất để vượt  qua.
Đầu tiên đó là vượt qua tinh thần!
Mẹ có biết lần thứ hai con khóc là khi nào không? Là khi Chị Hiền gửi con bức hình về mẹ


Bức ảnh đầu tiên sau khi cắt tóc của mẹ nè
Đấy là bức hình đầu tiên mẹ cho chị chụp sau một tuần trời không dám nhìn vào gương. Để tránh tâm trạng sợ hãi khi nhìn thấy tóc từ từ rụng xuống cả mảng, bố đã tự tay cắt tóc cho mẹ, mái tóc dài từ thuở con gái mẹ vẫn giữ được đen bóng, mềm mại giờ đây đã không còn mà thay vào đó là quả đầu trọc đặc trưng của bất kì một bệnh nhân điều trị hóa chất nào. Suốt một tuần mẹ không dám nhìn vào gương! Mẹ không dám đi ra ngoài vì sợ người ngoài dị nghị , soi mói. Mẹ lẩn tránh tất cả , kể cả bố . Lúc đi ngủ mẹ cũng quấn khăn.


Cả lúc đi ngủ mẹ cũng quấn khăn

Mẹ bị ám ảnh bởi …………………….sự sống và cái chết

Tám lần điều trị hóa chất và hai mươi năm lần xạ trị la tất cả khoảng thời gian tiếp theo mẹ sẽ phải vượt qua. Từ cái lần đầu tiên mẹ truyền hóa chất cho đến bây giờ là lần thứ bảy , mẹ đã vượt qua không biết bao lần đau đớn trên giường bệnh. Cứ hai mươi ngày mẹ lại lên truyền hóa chất một lần, những ngày đó mẹ phải đi chen chúc để thử máu, đến sớm lấy lốt, lấy chỗ truyền hóa chất, có những ngày vì sợ tốn kém chi phí về chỗ con trọ để ngủ qua đêmmẹ ngủ tạm bợ trên cái chiếu con cùng một người bạn bệnh nhân thân thiết, những lúc đấy đêm mẹ không sao ngủ được vì tiếng rì rầm của những người ngồi tâm sự đêm khuya, cười nói to nhỏ, của cái mùi ngột ngạt trên bệnh viện, của những âm thanh lạ kì trong khu trực bệnh viện về đêm và nhất là không ngủ được vì suy nghĩ đến những quãng thời gian tiếp theo sẽ phải vượt qua như thế nào. Những lúc đấy con thật có lỗi vì không ở bên cạnh mẹ lúc đó, chắc khi ấy mẹ mệt lắm . Mẹ chẳng bao giờ muốn con ở lâu trên viện vì sợ con mệt, con biết mẹ yêu ạ.
Dần dần các đợt điều trị sau mẹ đã dần quen, không còn cần người đưa lên Hà Nội và đưa về Quảng Ninh nữa mà chỉ có người đi cùng lên viện trông cho mẹ khi mẹ truyền hóa chất thôi. Không những thế mẹ mỗi lần lên còn mang  cơ man là đồ ăn, thức uống vì xót các con trên đây không được ăn uống đầy đủ, mẹ đã từng nói với con”mang nhiều mẹ không tiếc, chỉ sợ không có sức xách lên cho chúng mày “
Mẹ là thế, dù đang khỏe mạnh hay là lúc đau yếu nhất vẫn nghĩ cho chúng con, cả khi đang truyền hóa chất mẹ cũng mong mong về sớm để chăm sóc và nấu ăn cho bố, từ ngày mẹ ốm  bố là người duy nhất nuôi cả nhà. Mẹ thương bố vất vả đi làm cả ngày ngoài đường mà tối về chả  còn sức ăn cơm mà nấu tạm bát mì, có lần trước khi mẹ lên truyền trên Hà Nội mẹ còn chuẩn bị đồ ăn mấy hôm cho bố…………
Mà đâu phải lần nào mẹ truyền cũngđược suôn sẻ đâu, vì cơ địa vốn yếu , đã mấy lần mẹ phải kích cầu để tăng bạch cầu để truyền được hóa chất, mà lần nào sau đợt truyền  mẹ cũng mất 10 ngày không ăn uống được gì mới hồi phục được người, bao lần mẹ tủi thân vì căn bệnh mà khóc thầm nhưng đợt nào lên Hà Nội mje cũng dẹp tan khuôn mặt đó mà phấn khởi khoe những đồ ăn mẹ mang lên cho chúng con, những lúc đó con thấy được tình yêu mẹ hơn bao giờ hết…………….
Từ đợt truyền thứ 4 mẹ bắt đầu yếu vì càng các mũi cuối càng nặng do dùng thuốc ngoại, đã nhiều lần mẹ khóc vì thương chúng con, mẹ trách mình không khỏe mạnh để trông nom cho chị Hà bị sảy thai, mẹ trách mình không khỏe để chăm sóc bố được nhiều……………………
Mẹ ơi!
Hôm nay bố gọi điện cho con.


Bố nói mẹ lại khóc, hôm qua mẹ đi vệ sinh mà không còn sức vặn vòi xả nước, suýt ngã trong nhà vệ sinh, mẹ khóc vì không làm sao khỏe lên được……………….
Bố nói phải hay gọi điện hỏi han cho mẹ đỡ buồn phiền, lúc đó con thật đáng xấu hổ vì ít khi gọi điện cho mẹ, đợt này đi truyền về mẹ bị cảm, giọng gọi điện nghe khản đặc mà con không có biết, chỉ đến khi chị Hiền hỏi con đã gọi điện cho mẹ chưa con mới gọi điện và biết.
Mẹ à, từ giờ con sẽ chăm chỉ viết nhật kí cho mẹ. Con sẽ viết những điều con muốn nói, những suy nghĩ chất chứa mà không bao giờ con nghĩ sẽ nói ra, con sẽ quan tâm mẹ hơn và cố gắng học tốt hết sức. Con hứa đấy!
Con đói quá mẹ ơi! Giờ con lại nhớ bữa cơm cá , rau mẹ nấu đợt con về chơi Giỗ Tổ quá. Con ăn tối nhé, con sẽ lại viết nhật ký cho mẹ.
Con yêu mẹ.

Mẹ và Hiền mèo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến